Tuesday, April 1, 2014

• Người lính không số quân - Phạm Hồng Ân


Cách đây vài năm, trên tờ tuần báo ở Santa Ana có in một mẩu nhắn tin đậm nét như sau :

Tìm Anh Phạm Hồng Ân
Qua Mỹ, hiện anh đang ở đâu?
Xin gọi cho em là Trần văn Ðực
Số phone: (714) 602…..

Ồ! Thằng Ðực. Thằng Ðực ngày xưa. Thằng Ðực của cái thời Việt Nam Cộng Hòa đây mà! Dĩ vãng quay về. Khúc phim hiện ra. Tôi còn nhớ như in, năm 1972, lúc giang đoàn tôi hoạt động ở Mộc Hóa, có một cậu bé khoảng 13 tuổi thường mặc tà lỏn đen, áo trắng ngã màu cháo lòng, cài nút vạt thấp vạt cao – lân la xuống bến chiến đỉnh để phụ lau rửa sàn tàu, dọn dẹp sạch sẽ các vật dụng – mỗi khi giang đoàn hành quân trở về căn cứ. 



Lúc bắt tay vào công việc lau rửa, nó rất siêng năng và tận tụy để cuối cùng chỉ vòng tay lễ phép xin một ít dầu gasoline cho mẹ nấu cơm và thắp đèn. Ban đầu, tôi tỏ vẻ nghi ngờ, có thể việt cộng mưu mô gài thằng bé này xuống đây lấy tin tức tình báo, nên tôi giả vờ thân quen, tìm cách đến nhà nó dò la. Nhưng đó chỉ là một gia đình nghèo, sống trong con hẻm ngay thị trấn. Người Mẹ đi làm cưu mang gánh nặng gia đình, nuôi thêm một ông chồng bệnh lao thời kỳ cuối cùng.

Vì có thời gian giả vờ thân quen, theo sát lẫn nhau, nên tôi và thằng Ðực quen thân thật sự lúc nào cũng chẳng hay. Nó gắn bó với tôi một cách trung thành. Lần nào tàu về bến, không thấy nó, tôi cảm thấy như trống trải thiếu vắng một điều gì. Ngược lại, những lúc tôi cảm mạo, nó lo tôi từng miếng cháo, viên thuốc.

- Ông thầy ăn cháo thấy ngon không? Thấy có khỏe chút nào không?
- Ngon. Cháo này mày nấu hay mẹ mày nấu vậy?
- Em nấu. Ơ, Em học ở mẹ. Em nhìn thấy mẹ nấu cho ba, em nấu theo đấy! Mai mốt đi hành quân, lỡ bị bệnh, ông thầy tự nấu lấy mà ăn. Dễ lắm! Nấu nồi cháo trắng, đập hột gà bỏ vô quậy đều, nêm nước mắm bột ngọt, xong nhắc nó xuống bếp, xắt hành và đâm tiêu đổ vào, quậy đều thêm lần nữa, rồi ăn. Ông thầy nhớ cạo gió nha! Kêu mấy anh thủy thủ cạo gió cho ông thầy.

Có lần, chiến đỉnh về bến, thằng Ðực đang lau rửa con tàu như thường lệ, bỗng từ phía bờ sông bên kia việt cộng pháo kích qua. Tôi vội vã ra lệnh tách chiến đỉnh ra khỏi bến, quay mũi trực chỉ về hướng địch, dùng hỏa lực dập tắt trận pháo kích điên cuồng của cộng quân. Chiến đỉnh tách bến vô tình mang theo thằng Ðực. Nó loay quay trong khói đạn tơi bời, cuối cùng chạy thẳng đến cây đại liên 30 nằm bên hông tàu, hiên ngang chỉa họng súng vào bờ.Tôi hoảng hốt chụp nó lại, ấn mạnh nó xuống hầm tàu.

- Mày tính làm gì đó thằng khỉ? Làm ơn nằm xấp xuống hầm tàu cho tau!
- Em bắn việt cộng. Cho em tiếp tay với ông thầy?
- Bắn? Làm sao bắn? Mày muốn tau ngồi tù hả, thằng khỉ?
- Em có đi với nhóm Nhân Dân Tự Vệ, học bắn súng với họ. Nè! Nhắm lỗ chiếu với đỉnh con ruồi….
- Mẹ, nói trật lất. Lỗ chiếu môn với đỉnh đầu ruồi.

Tôi vừa cú đầu nó, vừa đẩy nó ngã xấp xuống hầm :
- Mày nằm im, không được nhúc nhích. Lạng quạng tau bắn mày trước đó!

Tháng tư năm 1975, đất nước điêu linh, số phận tôi nằm trong vận mệnh của hàng triệu sĩ quan bạc phước vào tù. Tưởng sẽ vĩnh viễn không trở lại Mộc Hóa, vĩnh viễn không gặp lại thằng Ðực nữa, nào ngờ tôi gặp lại nó trong trại tù Xuyên Mộc. Buổi sáng, tôi thường ngồi trước sân nhai bắp để chờ giờ tập họp vào rừng lao động. Tôi bỗng thấy một cậu tù hình sự đang lui cui quét rác ở nhà giam bên kia, dáng dấp nó giống thằng Ðực quá. Tôi đi vội đến hàng rào, ngóng cổ để nhìn cho rõ hơn. Chợt, cậu tù buông chổi, la “á” lên, xong, chạy một mạch về phía tôi.

- Trời ơi! Ông thầy! Em tưởng anh đã “dzọt” mất tiêu rồi chứ!

Tôi cẩn thận ngó khắp hướng, rồi lấy ngón tay trỏ đưa lên môi :
- “suỵt”, giờ này mà còn thầy với bà gì nữa, xưng là anh em đi! Coi chừng tụi “ăng ten” rình rập xung quanh!

- Anh vô đây hồi nào? Sức khỏe ra sao?
- Mới vài tháng. Chưa đến nỗi nào. Còn mày? Sao lại ở đây?
- Em “quánh” thằng 30 tháng tư. Mẹ, nó nịnh việt cộng, nói thêm nói thừa cho mấy ông lính xóm em. Thằng đó bị bể đầu. Còn em, tụi nó “thẩy” vào đây.

Từ ngày gặp lại thằng Ðực, nỗi buồn lao tù của tôi dường như vơi đi rất nhiều. Mỗi chiều, sau khi lao động trở về, Ðực thường mang đến tặng tôi những món lương thực hấp dẫn. Có khi vài ba con cá nhỏ. Có khi vài ba con chim. Có khi một bịt nấm mối hay khoai lang, đậu phọng …v…v… Ngày nào cũng vậy, thằng Ðực tìm cách mưu sinh rất dễ dàng, trong khi đa số tù nhân ở đây thườngđói khát, vì số lượng khoai mì do trại tù ban phát quá hiếm hoi và khiêm tốn.

Lao động quần quật suốt tuần. Ngày chủ nhật cũng được nghỉ ngơi để làm công tác lau dọn sạch sẽ trại tù. Ngày đó, hai anh em tôi có dịp ngồi với nhau ôn lại chuyện đời. Tôi thường hỏi về cách mưu sinh của thằng Ðực, cái thằng tuổi đời quá ít ỏi, sao có được một kinh nghiệm về cuộc sống quá tài ba như thế này! Thằng Ðực tủm tỉm cười :

- Mỗi chiều, trước khi về trại, tụi nó lùa mình xuống sông Ðrây tắm rửa giặt giũ. Lợi dụng thời gian đó, em đi dọc theo các hang đá để bắt cá. Con cá nó khôn lắm anh ơi! Nó lựa những hang hốc nào phủ đầy rong rêu, tăm tối, ít có bóng người lò dò tới mà ẩn náu. Em tìm đúng những hang như thế, thọc mạnh tay vào, tệ nhất cũng bắt được một cặp cá ngon lành.

- Rủi gặp hang rắn, nó cắn chết cha…
- Không. Hang cá, nước ở đó trong vắt. Hang rắn, nước đục ngầu. Vì con rắn lớn và dài. Mọi cử động của nó làm bùn dậy lên.

- Còn chim, còn nấm mối… thì sao?
- Tụi cán bộ ở đây bắt mình phá rừng trồng bắp. Anh nhớ,trước khi gieo bắp, nó phát mình hột bắp và thuốc trừ kiến. Hai thứ trộn chung với nhau, xong, mới đặt hột bắp xuống lỗ, rồi lấp đất lại. Vì tụi nó sợ con kiến cắn hột bắp ăn, hột bắp sẽ thúi và không nẩy mầm lên cây được. Cho nên khi đặt hột bắp xuống, anh đừng lấp đất lại. Chim bay trên trời khi thấy bắp, nó sẽ xà xuống “đớp” liền. Anh cần kiên nhẫn chờ giây lát, chim thấm thuốc, nó sẽ tự động rớt lạch đạch dưới chân anh. Còn nấm mối? Nấm mối chỉ mọc ở hang mối hay gò mối. Ðặc biệt, nó thường mọc vào mùa mưa. Vào thời gian đó, anh cứ đến những nơi này tìm, nhất định sẽ có dịp “trúng” to.

Tôi chấp tay bái phục thằng Ðực :
- Mày quả thật tài ba. Kinh nghiệm sống của mày, thật tình… hơn tau nhiều.
- Không dám đâu ông thầy. Em làm sao có kiến thức cao siêu bằng ông thầy!

Thời gian trôi qua, khi mãn tù, tôi và thằng Ðực không gặp lại nhau nữa. Cho đến khi tôi theo diện HO qua MỸ định cư, hôm nay tình cờ đọc được những dòng nhắn tin của thằng Ðực, tôi mừng đến không tài nào ngủ được.

Tôi và thằng Ðực hẹn nhau ở Phước Lộc Thọ. Cái quán cà phê đầu tiên, ngay lối ra vào. Xa nhau lâu quá, thời gian đã làm hai đứa đổi dạng thay hình, nên dù có chạm mặt nhau… cũng không dễ nhận ra nhau. Vì thế, tôi gợi ý cho thằng Ðực, người nào ngồi ở bàn có cầm tờ tuần báo Sài Gòn Nhỏ phe phẩy quạt, người đó chính là tôi. Chẳng bao lâu, có một vòng tay từ sau choàng qua cổ tôi và thét lên mừng rỡ :
- Ô! Ông thầy! Khoẻ không? Em đây, em là thằng Ðực đây!

Tôi đứng dậy, ôm chầm đôi vai nó, nước mắt tự dưng rớt ra :
- Mày là thằng Ðực đây ư? Trời ơi! Sao bây giờ có vẻ người lớn và mập mạp như xì thẩu vậy?

- Ông thầy cũng vậy. Bụng phệ nữa. Ở xứ sở tự do, con người cảm thấy bình an nên ăn no ngủ khoẻ hở ông thầy?
- Mày qua đây theo diện nào? Bây giờ, làm ăn ra sao?
- Em qua diện Ô Ði Ghe. Vượt biên đó ông thầy. Hiện tại, em là chủ một nhà hàng sushi.

Tôi há hốc mồm:
- Chủ Sushi? Mày tài vậy Ðực?
- Cuốn Sushi còn dễ cuốn hơn chả giò nhiều. Lúc đầu, em chỉ làm công. Một thời gian lăn lóc, em rình mò học lén bí quyết của mấy thằng Nhật… rồi… làm nên sự nghiệp.

- Chủ nhân như vậy, tương lai có dự định gì thêm không? Chẳng hạn mở thêm chi nhánh ở vài chỗ khác…
- Không. Em muốn dẹp nghề, đi lính Mỹ.

Tôi lại há hốc mồm:
- Trời ơi! Ði lính? Ở Việt Nam, cuộc đời tau và mày bị chiến tranh bầm dập muốn tiêu tùng. Bộ mày chưa sợ sao?
- Bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ tự do mà sợ gì ông thầy. Em có máu giang hồ, khoái lang bạt đó đây còn hơn ngồi chôn chân một chỗ.
- Nhưng bây giờ mày ngon lành rồi, phải hưởng chứ, bù lại những năm tháng nghèo nàn khổ sở.
- Vinh thân phì da… tới lúc nào đó… sẽ sinh ra thói hư tật xấu. Em muốn có một lý tưởng, một cái gì để lại cho đời.

Năm tháng đã qua, tự dưng tôi không còn liên lạc với thằng Ðực nữa. Không biết bây giờ nó còn làm chủ nhà hàng Sushi hay đã tự nguyện đầu quân vào lính Mỹ. Dù thế nào đi nữa, cứ mỗi 30 tháng tư hàng năm, tôi đều trầm ngâm nhớ đến nó, và ngồi uống rượu một mình trong căn phòng vắng lặng.

Nếu quan niệm Người Lính là người luôn bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ tự do. Là người hy sinh tới cùng cho đồng đội, cho quê hương… thì thằng Ðực đáng được gọi là người lính, mặc dù nó chưa bao giờ cầm súng trực diện với kẻ thù. Đối với những kẻ phản bội, những tên một mặt hai lòng, những tay bán nước cầu vinh… thằng Đực quả là một người quốc gia chân chính, đáng được tuyên dương và trân trọng.

Phạm Hồng Ân
Escondido, 04/05/2011
Nguồn: Tác giả gửi

No comments: