Đi Thăm Chồng - Trần Văn Giang
( HNPĐ ) Ngay sau ngày 30 tháng tư năm 1975, cộng sản đã bắt giam, đày đọa hàng trăm ngàn quân cán chính của VNCH trong hơn 100 trại tù mà cộng sản gọi là “trại cải tạo.” Nhiều gia đình miến Nam tự dưng mất chồng, mất cha, mất con, mất anh
Lời mở đầu:
( HNPĐ ) Ngay sau ngày 30 tháng tư năm 1975, cộng sản đã bắt giam, đày đọa hàng trăm ngàn quân cán chính của VNCH trong hơn 100 trại tù mà cộng sản gọi là “trại cải tạo.” Nhiều gia đình miến Nam tự dưng mất chồng, mất cha, mất con, mất anh, …
Sau đay là tâm sự của bà chị vợ tôi trong thời gian “đựợc phép” của cộng sản cho đi thăm chồng ở “trại cải tạo.” Ông anh cột chèo trong câu chuyên này là một cựu Đại úy Y sĩ của Sư đoàn TQLC (QLVNCH).
1.Bây giờ là 3 giờ sáng. Tôi vẫn trằn trọc thao thức không thể nào chợp mắt được. Chỉ còn 6 ngày nữa là tôi được đi thăm chồng. Niềm vui sẽ đươc gặp laị chồng sau một thời gian dài xa cách; nỗi lo sợ; sự buồn tủi khi nghĩ tới lúc phải từ giã anh sau khi gặp mặt; những điều sẽ phải nói; sự nhớ nhung day dứt... tất cả những ưu tư đó liên tục chập chờn trong đầu óc tôi. Rồi dĩ vãng, rồi hiện tại tưởng chừng như một giấc mơ nhanh chóng đi qua và không có thực.
2.Hôm đó (!) nhân viên an ninh khu vực đến chỗ chúng tôi tạm trú (sau khi nhà chúng tôi đã bị bỏ bom xập mất), trói tay chồng tôi, bắt anh đi mà không cần cho biết lý do. Tôi đứng lặng người, như một cái xác không hồn. Một tay dắt thằng con trai lớn hai tuổi, một tay bồng thằng con nhỏ mới sanh được một tuần. Chồng tôi nhìn tôi với đôi mắt tuyệt vọng, lo lắng và khuôn mặt xanh xám sợ hãi. Sau khi họ dẫn chồng tôi đi rồi, tôi buông cái thân gầy gò của tôi xuống sàn nhà và gục mặt khóc. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi cảm thấy kinh hoàng và lo âu cho những ngày sắp tới: 28 tuổi đầu với hai đứa con nhỏ dại, không cha mẹ, không anh em, không bà con thân thuộc bên cạnh. Tất cả mọi người thân thuộc đã đi xa, thật xa. Lần đầu tiên tôi thấy thật bơ vơ ở cái tỉnh lỵ đất đỏ Ban Mê Thuột đèo heo này.
3.Người ta bảo là: "Con người là một cây sậy biết suy nghĩ." Tôi vào lúc này còn yếu hơn một cây sậy, còn quá trẻ, có chút nhan sắc và biết suy nghĩ. Cũng vì có chút nhan sắc cho nên “an ninh khu vực” đã không để cho tôi yên thân. Họ thường lân la tìm mọi cách đến “thăm” tôi. Họ khuyên tôi nên từ bỏ dĩ vãng và dứt khoát với ông chồng "có quá nhiều tội ác với nhân dân." Họ cũng cho tôi biết là chồng tôi sẽ “đi cải tạo" không có ngày về vì chồng tôi là một Bác Sĩ Quân Y, cái nghề chuyên chữa bệnh cho "ngụy quân để chúng cầm súng giết hại đồng bào;" là có cha vợ làm “trùm ngụy quân;" là có cha mẹ anh em trốn ra nước ngoài.
4.Như vậy là chồng tôi đi không biết đến ngày nào mới về? Sự chờ đợi mỏi mòn, sự nhớ nhung dằn vặt, nỗi tuyệt vọng và sự sợ hãi mỗi ngày một nhiều hơn. Thêm vào đó, những người “an ninh khu vực” cứ lai vãng, tìm gặp tôi, mỗi ngày một tỏ ra ân cần, săn đón và hứa hẹn nhiều hơn. Nhưng tôi đã quyết định từ bỏ nơi này để ra đi. Vào một đêm thanh vắng, tôi đã dắt díu hai đứa con dại lẩn trốn ra bến xe đò và đi về Sài gòn.
5.Tôi miên man nghĩ đến cuộc hành trình đi thăm chồng sắp tới. Lòng tôi tràn đầy sự rộn rã vui mừng. Tôi muốn đem hai đứa con tôi cùng đi để chúng được biết mặt bố; và đồng thời tôi cũng muốn dạy chúng, ngay từ khi thơ ấu, thế nào là tình gia đình và thế nào là sự chia sẻ những cái bất hạnh của gia đình!
Xe đò Sài gòn đi Ban Mê Thuột phải chạy hết hai ngày và một đêm ngủ trọ dọc đường. Đến bến xe đò Ban Mê Thuột, tôi một tay bồng con, một tay sách giỏ đồ ăn nặng trĩu gói ghém cho chồng và thằng con nhỏ chập chững, lếc thếch chạy theo mẹ ở đàng sau. Chúng tôi, 3 mẹ con, đi bộ đến bến xe thồ và đi vào thị xã Quảng Nhiêu. Từ Quảng Nhiêu đến trại “tù” của chồng tôi là năm kí lô mét (5 Km) đường bộ. Không có xe cộ nào có thể đi vào đó, chỉ có một cách là đi bộ. Thành ra tôi phải bồng cháu nhỏ, tôi nhờ một người Thượng gùi thức ăn và ẵm cháu lớn. Đoạn đường 5 km này đi hoài mãi mà không tới trại. Chúng tôi phải đi thật chậm và rất mệt mỏi vì đường đất sét đỏ ướt. Tôi mệt lả và bụng đói cồn cào nhưng không dám ăn gì vì sợ mất phần ăn của chồng.
6.Đến trại, ở một cái chòi rất phong phanh gọi là "phòng đợi," tôi và mấy bà vợ khác đi thăm chồng "tù cải tạo" cùng ngồi lặng thinh. Người nào cũng mang một bộ mặt đăm chiêu, thiểu não như nhau. Không ai hỏi thăm ai lời nào có lẽ vì đầu óc đều đang ngổn ngang. Mọi người dường như chỉ muốn để dành hết tất cả những gì mình đang có dù là nhỏ bé tầm thường nhất, từng lời nói và từng giây phút còn lại cho sự gặp gỡ sắp tới! Ngay cả chớp mắt, tôi cũng không dám làm! Tất cả các cặp mắt đỏ hoe, ưu tư, mệt mỏi đều cố gắng mở rộng, hướng chăm chăm vào một chỗ: cái cổng trại Nơi cổng cái trại xa xa đó, trong chốc lát chồng tôi cùng đám người "tù cải tạo" sẽ được đi ra để gặp vợ con và thân nhân lần đầu tiên. Cuối cùng, họ được phép đi ra. Tôi không thể nhận ra được ai là chồng tôi vì tất cả “tù nhân” được xếp thành hai hàng. Tất cả đều mặc quần áo một mầu đen, vừa đi vừa cúi mắt nhìn xuống đất. Lòng tôi đau đớn, quặn thắt lại. Nỗi chua xót dâng lên trong người tôi mà không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Nước mắt cứ thế mà tuôn trào, tuôn trào...
Rồi chúng tôi được sắp xếp ngồi đối diện nhau, dưới sự quan sát của những người “an ninh” trại. Chúng tôi nhìn nhau mà chỉ nghẹn ngào, không nói được đến một lời nào cả. Thằng con nhỏ 10 tháng chập chững đứng và gọi bập bẹ "Ba..Ba.." Những thức ăn mà tôi đã cẩn thận gói gém xếp đặt cho chồng thì bây giờ đang bị những người “an ninh” của trại cắt rạch, mở toang ra, bới tung ra để khám xét. Tôi thấy chồng tôi gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt suy tư. Tôi nhìn chồng, rồi nhìn con. Tôi thấy thương chồng, thương con và cũng thương cho cái số phận hẩm hiu của tôi. Tôi chỉ biết khóc. Rồi giờ thăm ngắn ngủi đã hết. Chồng tôi được lệnh đứng dậy, tay xách giỏ thức ăn. Mãi đến lúc ấy, chúng tôi vẫn không thể nói nổi một lời từ giã với nhau. Anh hôn hai đứa con, đưa mắt nhìn tôi một cách buồn thảm rồi lầm lũi đi vào trại. Tôi cố nán ở lại, nhìn theo cho đến khi anh đi khuất sau cái cổng trại. Lòng tôi xe thắt và đành dắt díu hai đứa con thơ ra về ...
7.“Chỉ còn 6 ngày nữa tôi lại được đi thăm chồng!” Tôi tự nhủ lòng. Trong nỗi vô vọng cùng cực như thế này, tôi vẫn tìm thấy một chút an ủi vào những lúc chờ đợi được đi thăm chồng như thế này. Vì ít ra, tôi vẫn còn có niềm hy vọng sắp gặp lại chồng, được nhìn lại anh dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, để thấy anh vẫn còn sống, để thấy là chúng tôi vẫn còn có nhau.
Rồi đến khi ngồi trên xe trở lại Sài gòn, tôi sẽ lại nghĩ ngợi miên man đến thân phận của người “tù cải tạo”: Sống ra sao? Sống như thế nào? Cơ cực? Nhục nhằn? Thiếu thốn? Nhớ vợ con? Nhớ thân nhân? Mất tự do? ...v..v..
8.Tôi đọc kinh và cầu xin Thiên Chúa ban cho chồng tôi sức mạnh thể xác để vượt qua và sức mạnh tinh thần để chấp nhận cái hoàn cảnh mà chồng tôi không thể thay đổi được.
Tôi lại thấy nhớ anh day dứt, và mơ ước được trở lại để thăm chồng thêm vài phút nữa. Nước mắt tôi trào ra; dòng nước mắt buồn tủi!!!
Trần Văn Giang
(Viết theo ý của chị vợ Võ Thị Như Huờng)
( HNPD )
No comments:
Post a Comment