Tuesday, April 1, 2014

• Người lính không số quân - Lê Phi Ô

Người lính không số quân
by Lê Phi Ô - TĐT/TĐ344/TK Bình Tuy

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam trước họa xâm lăng của cộng-sản phương Bắc, QLVNCH đã có biết bao anh hùng, liệt nữ ‘vị quốc vong thân’. Bên cạnh đó, còn có những hy sinh không kém hào hùng ít được nhắc tới, ở đây, tôi muốn nói đến những người lính không có số quân, đó là những người “Vợ Lính”.

Đúng 2 giờ sáng ngày 09/12/1974, lính vừa đổi phiên gác thì một ánh chớp cùng tiếng nổ long trời phát ra tại hàng rào hướng tây của chi-khu, nơi tuyến phòng thủ của một trung đội thuộc ĐĐ3, một trung đội thuộc ĐĐCH và Tiểu-đội thám-báo của TĐ. 



Khói lửa, cát bụi mịt mùng, đặc-công VC đã chui vào hàng rào phòng thủ đặt chất nổ phá hủy nhiều lớp kẽm gai. Lập tức tổ thám-báo của TĐ tung nhiều quả lựu đạn vào vùng khói lửa nơi vừa xảy ra tiếng nổ để ngăn chận bọn đặc-công cảm tử xông vào. Trong ánh chớp kèm tiếng nổ của lựu đạn, bóng vài tên VC chạy ngược trở ra nhưng đã bị khẩu đại liên trên vọng gác đốn ngã. 

Những trái sáng tay và của súng cối 81 ly được phóng lên sáng rực bầu trời, tôi gọi Trung-úy Lưu-đức-Thắng (khóa 24/VBĐL) ĐĐT- ĐĐ3/344 cẩn thận mặt Bắc, nơi có một ngôi chùa nhỏ sát cạnh hàng rào phòng thủ. Đây là đường tiến sát rất thuận lợi cho VC vì chúng biết lính không bao giờ dám mang súng đạn vào gần chùa dù chỉ để phục kích đêm. Tr/U Thắng báo đã bắn hạ hai tên địch ngay khi chúng vào tới hàng rào phòng thủ trong cùng. Mười phút sau, Thắng cho biết hàng rào đã bị cắt đứt nhiều chỗ. Lập tức tôi hạ lệnh cho Tr/U Thời ĐĐT- ĐĐ2/344 đang bố trí quân tại trại cưa bên ngoài cách chi-khu 500 thước về hướng Đông, đưa ngay một trung-đội vào chiếm giữ ngôi chùa nhỏ. 

Trung-đội này chạm súng nhẹ và địch bỏ chạy, đây chỉ là tổ cảnh giới của địch. Đây không phải là trận đánh đơn thuần của đặc-công địch, vì đặc-công chỉ lẻn vào âm thầm chứ không phá hàng rào nhiều chỗ như vậy, chúng đang chuẩn bị chiến trường cho những đơn vị lớn hơn. 

Đúng như tin tức Mật từ Bộ TTM cho biết trước: VC mở chiến dịch “Tánh-Linh Hoài-Đức” để đánh chiếm hai chi-khu này theo chiến thuật mà chúng gọi là “bóc vỏ” trước khi tiến đánh thị-xã Xuân-Lộc, và nếu không thành công thì chúng ít ra cũng cầm chân được một số lớn đơn-vị của ta để dễ bề đánh chiếm tỉnh Phước-Long.Trước đây một tuần, vì áp lực địch quá nặng nên QK 3 đã tăng cường Liên-đoàn 7/BĐQ cho chi-khu Hoài-Đức. Đơn-vị BĐQ này đóng tại khu vực Gia-Huynh nằm trên Tỉnh lộ 333 về hướng Nam, cách BCH chi-khu 10 cây số. Đồng thời Tiểu-khu ra lệnh cho TĐ 344 của tôi rút bỏ xã Võ-Xu và các ấp nằm dọc Tỉnh lộ 335 về phòng thủ duy nhất cứ điểm chi-khu và xã Võ-Đắt. TĐ tôi được tăng cường thêm ĐĐ 512 Trinh sát). Quận Hoài-Đức là quận xa nhất của tỉnh Bình-Tuy, cách tỉnh lỵ 80 cây số đường chim bay. 

Xung quanh quận lỵ là rừng cây bạt ngàn, phía đông bắc giáp với tỉnh Lâm-Đồng toàn núi rừng của chặng cuối dãy Trường-Sơn thuận lợi cho việc che dấu và tiến sát các đơn vị lớn VC mà máy bay quan sát khó phát giác. Những cuộc hành quân lục soát đã khám phá nhiều dấu vết địch tới cấp trung-đoàn. Tôi cho vài người lính người Thượng giả dạng dân làm rừng xâm nhập những vùng nghi ngờ có địch để thám sát nhưng những người lính này ra đi không về! Những cuộc chuyển quân của ta và địch làm cho người dân đoán biết được tình hình rất nghiêm trọng nên gồng gánh ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đêm 25/12/1974, chi-khu Tánh-Linh nằm về hướng đông nam và cách Hoài-Đức 15 cây số thất thủ.

Chi-khu Hoài-Đức suốt tuần nay bị địch pháo bằng hỏa-tiễn 107 ly và cối 82 ly trung bình 500 quả mỗi ngày. Pháo binh của ta chỉ phản pháo cầm chừng vì đạn khan hiếm. LĐ 7/BĐQ ở phía nam cũng chạm nặng với khoảng 2 trung-đoàn VC. Pháo-đội 105 ly của Pháo-đội trưởng Nguyễn-hữu-Nhân thuộc TĐ181/PB (SĐ18BB) tăng phái cho LĐ7/BĐQ đã phải dời vị-trí nhiều lần (anh Nhân là anh vợ của tôi). Cứ mỗi lần qua vị-trí mới là vị-trí cũ bị pháo tan nát, pháo đội này bị mất 2 khẩu đại-bác 105 ly vào tay VC. Thiết-đoàn 5 KB vào tăng viện cho LĐ7/BĐQ cũng bị thiệt hại đáng kể (có 2 sĩ-quan cấp Tá tử thương).Ban ngày bị pháo, ban đêm thì địch liên tục tấn công, xin phi-cơ C123 yểm-trợ và soi sáng thì không có... tổn thất lên cao mỗi ngày. 


Đang điều động các ĐĐ phản công thì 2 anh CSDC hớt hải chạy đến báo: “Thưa thẩm quyền, ông Trưởng Chi của tụi tôi bị VC bắt rồi !” Tôi tái mặt! Chi Cảnh-Sát nằm ngay trong chi-khu và cách BCH-TĐ của tôi 30 thước với một tiểu-đội CSDC, gần 10 CSV và tổ thám-báo của TĐ 5 người... mà bị VC bắt? Tôi và Thượng sĩ Hường, Thường vụ TĐ, 2 cận vệ cùng 2 CSDC vội vã băng qua chi Cảnh-sát. VC đột nhập định cắt chi-khu làm hai vì hỏa-lực nơi đây tương đối yếu, trước khi rút lui vì bị anh em Cảnh-sát và lính phản công, VC đã bắt được ĐU Long, Trưởng chi và 2 CSV mang theo. Một số lính TĐ và Cảnh-sát tử thương. Tôi tăng cường thêm 3 người lính của toán hỏa-đầu vụ TĐ cho chi Cảnh-sát (vì không còn quân). Trên đường trở lại BCH/TĐ, thoáng thấy một bóng người nép vội vào gốc cây xoài bên hông văn-phòng Quận cách tôi 10 thước, dáng dấp khả nghi không giống lính mình. Tôi ra dấu cho Thượng-sĩ Hường cùng một anh lính nép sát vào tường sẵn sàng yểm trợ, tôi và anh cận vệ còn lại bò về hướng cây xoài. Bóng người lạ xê dịch như muốn chạy, cả hai chúng tôi hướng súng định bóp cò. 

Bỗng một quả chiếu sáng tay bừng sáng trên trời soi rõ người lạ chỉ cách tôi khoảng 3 thước, không có súng và hình như đàn bà. “Nữ đặc-công VC ư?”, vừa thoáng nghĩ trong đầu thì anh cận vệ của tôi đã nhảy chồm lên người “đặc-công” còn súng của tôi thì kê sát vào lưng hắn sẵn sàng bắn, anh cận vệ la lên “Mày hả?” rồi quay lại tôi nói nhỏ “con bé Hạ, ông thầy ơi !”. Tôi quát khẽ “Mầy làm gì ở đây?!” con bé mặt còn nguyên nét sợ hãi không nói nên lời. Vài quả đạn pháo nổ quá gần, chúng tôi chạy vội vào hầm trú ẩn kế cận, tôi hỏi lại: “Mày làm gì ở đây?”, Th/S Hường nói thay “ Mấy bữa nay, nó thay thằng Xuân đi tiếp tế đạn cho anh em!”. Tôi nói như trách Th/S Hường: “Mấy bữa nay rồi! còn thằng Xuân đâu mà nó phải đi tiếp đạn?” “Dạ, thằng Xuân anh nó... chết rồi !”. 

Tôi hụt hẫng, cổ họng có cái gì nghèn nghẹn ! Ông già Mai, ba của con bé Hạ một nông dân hiền lành sống với ruộng rẫy, thằng Đông con lớn của ông đi lính tử trận ngoài miền Trung. Từ đó mỗi khi đi làm rẫy, nhận được tin tức gì của VC ông đều bí mật báo với chính quyền, bọn cơ sở nằm vùng của VC biết được đã chặt đầu ông ngoài rẫy với bản án để răn đe. Thằng Xuân là lính của TĐ tôi. Con bé Hạ không dám ở nhà một mình nên vào đồn sống với anh ... bây giờ thằng Xuân chết rồi, nó sẽ sống với ai? Tôi nói thật khẽ với Th/S Hường như nói với chính tôi “Bố Hường, tạm thời bố nuôi con Hạ giùm tôi... khi nào yên tôi tính sau !”, rồi tôi quay về hầm chỉ-huy dưới cơn mưa pháo của địch.

*

Sau khi Tánh-Linh thất thủ, bọn VC dồn cả lực lượng cấp sư-đoàn tấn công LĐ7/BĐQ và chi-khu Hoài-Đức do TĐ tôi tử thủ với quân số còn lại chưa tới phân nửa. Trước trận đánh, vì Bình-Tuy không đủ quân số nên xin tăng cường 2 TĐ/ĐPQ, QĐ3 chỉ tăng cường một tiểu-đoàn từ Long-An đến (TĐ335) cho Tánh-Linh còn TĐ tôi thì được bổ sung quân số lên đến hơn 500 người (lấy từ các TĐ khác trong tiểu-khu).

Xác chết VC vì không ai chôn nên đã bốc mùi, xác lính mình thì chôn tạm, phủ poncho. Thương binh còn kẹt lại khoảng 50 người vừa nặng vừa nhẹ, vì trực-thăng vào vùng không được bởi phòng không VC dày đặc, nhiều chuyến phải quay đầu lại vì cần phải ưu tiên cho mặt trận Phước-Long. LĐ7/BĐQ triệt thoái khỏi Hoài-Đức... như thế, với TĐ-ĐPQ của tôi còn lại hơn 200 người bị SĐ7 CSBV và Tr/Đ812 Sông Mao cộng 4 TĐ đặc-công 18, 19, 20 và 200C (từ 6 đến 8 ngàn quân) bao vây tấn công ngày đêm. Thượng cấp cho tôi toàn quyền quyết định đi hay ở. Tôi đã cho thăm dò nhiều lần con đường rút nhưng không thể thực hiện được. Nếu chỉ lính không thì còn được, nhưng vợ con họ thì sao? và rồi, thương binh nữa? Chúng tôi quyết định tử thủ.

2 ĐĐ của tôi bên ngoài thì ĐĐ1/344 của Đ/U Trương-Kiêm tan hàng trong đêm, mất hẳn liên lạc, ĐĐ2/344 của Trung-úy Thời thì còn lại 36 người, ĐĐ512/TS của Tr/U Đường thì đã lui lại khu vực chợ cách BCH chi-khu không xa vì áp lực địch quá mạnh, rồi ngay trưa hôm đó Tr/U Đường tử thương và ĐĐTS tan hàng! Bây giờ thì không riêng gì con bé Hạ mà cả các chị vợ và con lính cũng được cấp phát súng đạn. Vợ Trung-sĩ Hảo là cô đỡ (bà mụ ở nông thôn) trở thành y tá của TĐ. Hai tay chị đầy máu, một thương binh cánh tay trái chưa đứt lìa hẳn, đã bốc mùi thối phải cắt bỏ, không còn thuốc tê, với lưỡi dao cạo râu chị cố bình tĩnh cắt bỏ cánh tay, anh thương binh cắn răng chịu với hai hàng nước mắt chảy liên tục vì quá đau đớn! Tôi cố gắng an ủi từng người, tài xế của tôi bị gãy chân trái vì đạn pháo, thấy tôi, anh khóc ròng. 


Tôi cố an ủi rằng vết thương của anh ta không đến nỗi phải cưa đâu. Anh ta nói trong nước mắt “không phải em sợ cưa chân, nếu em được tải thương coi như chắc chắn được sống... thấy ông thầy còn kẹt lại... em thương cho ông thầy quá!” Anh nghẹn lời không nói được, mà đâu biết rằng chính tôi còn nghẹn ngào hơn nữa! Tình huynh đệ chi binh như thế đấy, thương tích mà không lo, chỉ lo cho an nguy của người khác! (sau ngày tôi ra tù, anh ta hay tin, từ Saigon với đôi nạng gỗ và một chân... lặn lội xuống Bà-rịa thăm tôi! Ôi quý thay!).

Con bé Hạ đầu quấn khăn tang cho anh bằng cuộn băng vải trắng, mặc áo trận, vai mang M16. Cô bé trông cứng cỏi như người lính thực thụ, mới 16 mà trông như 30, 40 tuổi. Một tiểu-đội “nữ binh” mới được bổ sung đặt dưới quyền chỉ-huy của Th/S Hường, Tiểu-đội trưởng là vợ của TSI Man-Ngui (người Thượng). Các toán thám sát được tung ra ngoài nay đã trở về, báo là bọn VC dày đặc, TĐ tôi không còn cách nào rút lui được, nếu cố mở đường máu thì sống sót may lắm là được1/3.

Hôm đó khi VC không tấn công ban ngày mà chỉ pháo, tôi đoán đến đêm bọn chúng sẽ làm thịt chúng tôi... Các thương binh còn cầm súng được ra tuyến ngoài, các sĩ-quan bỏ vị trí chỉ-huy ra giao thông hào cùng anh em chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, kể cả tôi. Thế nhưng đêm đó vẫn yên tĩnh đến lạ lùng và ngạt thở. Đúng 9 g sáng ngày 04/1/1975, với tất cả hỏa-lực của đủ loại súng, VC bắn như vãi đậu, hò hét xung phong man rợ! Anh em chúng tôi mắt mở trừng , tay để sẵn trên cò súng nghiến răng chờ giây phút sau cùng của đời mình sẽ đến! Bọn VC vẫn chưa xung phong, Đ/U Đinh-Quang-Chính, trưởng ban 3 TĐ quay lại tôi hét lớn”Trung-Hiếu (danh hiệu truyền tin của tôi) khoan cho lệnh bắn, tụi nó dụ mình hết đạn đó”. Tôi gật đầu đáp nhận, không riêng gì Đ/U TB3 mà tất cả hình như ai cũng hiểu vậy! Vài lần hò hét xung phong giả không kết quả, bọn VC nổi điên xung phong thật. 


Chiến trường bây giờ là địa ngục, là máu, là thịt xương vung vãi khắp nơi. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy địa ngục! Trước đó chừng 20 phút, tôi nghe trên mát truyền tin một giọng nói lạ xin cho biết tọa độ chính xác để PB yểm trợ. VC đâu thể gạt tôi được, tôi chửi trong máy “Tiên sư các anh, muốn bắn thì bắn đi, cái Quận to tổ bố không nhìn thấy sao mà còn xin tọa độ”. Thế rồi, tiếng người lạ lại vang lên trong máy PRC25 “Yêu cầu Bạch-Vân cho biết tọa độ chính xác của ta và địch”(Bạch-Vân là danh hiệu TĐ tôi lúc đó). Tôi đáp: “Tao ở bên trong, tụi bay bên ngoài...muốn chơi cứ chơi!” nói xong tôi cúp máy. Bọn kiểm thính VC biết cả danh hiệu truyền tin TĐ, nhưng biết thì biết, bất chấp! Giờ phút nầy bọn chúng có muốn biết tên cha mẹ của tôi... nói thật, tôi cũng kệ!

Tôi vừa buông ống liên hợp thì tiếng kèn, tiếng hô xung phong của VC nổi vang trời xen lẫn tiếng đạn nổ long trời lở đất. Đạn đại bác tung cát bụi mịt mù, hình như cả ngàn quả nổ cùng một lượt nhưng không có quả nào lọt vào bên trong mà chỉ nổ phía bên ngoài hàng rào, ngay trên tuyến VC. Trong cát bụi mịt mờ thân xác bọn sanh Bắc tử Nam bị hất tung lên cao từng đợt, từng đợt, tiếng đạn đại bác nổ liên tục nghe ghê rợn hơn lệnh xé xác trong truyện kiếm hiệp Kim-Dung. Hơn trăm người còn sống chúng tôi ngẩn ngơ quên cả bóp cò, chỉ giương mắt nhìn một màn xi-nê sống động và hay hơn cả phim chiến tranh đã từng xem. Bởi đó là cảnh thật chứ không phải trên màn ảnh, tiếng đạn đại bác vẫn nổ liên tục cho đến trưa...


và, trong tiếng đại bác reo hò là tiếng phi cơ phản lực nghe càng lúc càng gần. Trên bầu trời những chiếc F5 quen thuộc xuất hiện như những thiên-thần. Tiếng đại bác vừa ngưng là những chiếc F5 chúi xuống thả từng cặp bom Napalm trên đầu giặc biến Võ-Đắt thành biển lửa. Quân tử thủ chúng tôi chợt tỉnh cơn mê... rồi bỗng nhiên reo hò ầm ĩ “ tiếp viện đến ...tiếp viện đến!” Đ/U Chính, TB3TĐ chạy lại phía tôi la lớn “SĐ18 vào tới rồi, mình sống rồi Trung-Hiếu ơi!”. Nước mắt lưng tròng, tôi, Đ/U Chính và hình như tất cả mọi người đều khóc! những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má rồi chảy xuống chiến bào đã khô cứng vì cát, đất và máu của đồng đội. Võ-Đắt đã hồi sinh sau 33 ngày sống trong địa ngục!!!

Tôi đi một vòng quanh tuyến phòng thủ, nghiêm chào mỗi xác đồng đội, ôm hai vai hoặc nắm chặt tay những anh em còn sống hoặc bị thương để nghe xúc cảm dâng trào trong tim thay cho muôn lời nói! Khi ngang qua một lô-cốt tôi thấy bé Hạ ngồi khóc. tôi hoảng hốt hỏi xem cô bé có bị thương không, nó không nói mà đưa tay chỉ xuống hầm. Tôi chui vào, nhìn thấy xác hai chị “vợ lính” nằm kề bên nhau, tay vẫn còn giữ chặt hai khẩu súng. Nhìn qua lỗ châu mai, khoảng cách gần, xác 3 tên VC bị bắn vỡ toang đầu. Nhìn lại, hai chị nằm đó như đang ngủ say! 


Tôi đứng nghiêm chào và thầm nói “Thưa các chị, xin hãy yên giấc ngàn thu, Tổ Quốc muôn đời mãi mãi ghi ơn các chị! Trong trận chiến khốc liệt để bảo vệ an nguy, tự-do, hạnh-phúc cho người dân miền Nam nói chung, đồng bào Hoài-Đức Bình-Tuy nói riêng, sự hy sinh của các chị sẽ được ghi vào sử sách của những người lính không có số quân, và không có cả 12 tháng lương tử tuất. 

Các chị đã nối bước tiền nhân, không hổ danh con cháu bà Trưng, bà Triệu. Đại diện những người còn sống hôm nay, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những anh-hùng liệt-nữ vô danh, và xin ngàn thu vĩnh biệt!”. Nước mắt tự dưng trào ra, tôi bước ra khỏi hầm, tâm tư trĩu nặng nỗi buồn nhưng đầy niềm kiêu hãnh cho một thế hệ, bất kể nam nữ, đã và đang cống hiến cả cuộc đời và thân xác cho cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ an bình, tự do cho đất nước VNCH. Tôi ngước mắt nhìn trời, cảm ơn Thượng- Đế đã cho tôi và anh em binh-sĩ được sống, chiến đấu, và được biết thế nào về hai chữ anh hùng trong chiến trận.  

Tôi thấy mình may mắn được chiến đấu bên cạnh những anh hùng đó, những chiến-sĩ vô danh mang tên “vợ lính”!

Lê Phi Ô
TĐT/TĐ344/TK Bình Tuy

No comments: