Phạm Tín An Ninh
Hơn
hai mươi năm nay, từ ngày đến định cư ở Na-Uy, một nước Bắc Âu nổi
tiếng với những mùa đông dài băng giá, nhưng lại rất đẹp vào những ngày
hè và lãng mạn vào thu, tôi vẫn giữ thói quen đi len lỏi trong rừng,
không chỉ vào những ngày nghỉ cuối tuần mà bất cứ lúc nào thấy lòng mình
trăn trở. Không phải tò mò vì những cuộc tình cháy bỏng trong “Rừng
Na-Uy”, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mới đây của một ông nhà văn Nhật Bản,
nhưng để được lắng nghe những tiếng khóc. Tiếng khóc của cây lá, của gỗ
đá trong rừng. Tiếng khóc có mãnh lực quyến dụ tôi, thúc bách tôi, cho
dù nó đã làm cho tôi đau đớn, khốn khổ gần cả một đời.
Tôi
sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên ở thành phố Nha Trang, sau khi cùng cả nhà
theo cha tôi vào đây nhận nhiệm sở mới. Có lẽ ngày ấy tôi là một cô gái
khá xinh. Ngay từ năm tôi học lớp đệ lục trường Nữ Trung Học, cũng đã
có vài chàng học trò khờ khạo si tình, đạp xe theo tôi sau những buổi
tan trường. Lên năm đệ tam, cũng có vài chàng sinh viên sĩ quan Hải
Quân, Không Quân chờ trước cổng trường tán tỉnh. Nhưng như là số trời,
trái tim tôi chỉ rung động trước một người. Anh là bạn chí thân với ông
anh cả của tôi, hai người học cùng lớp từ thời còn ở trường Võ Tánh.
Tháng tư năm 68, chúng tôi làm đám cưới, kết thúc một cuộc tình đầu thật
dễ thương, không có nhiều lãng mạn, cũng chẳng có điều gì trắc trở. Ông
xã tôi là lính biệt động quân. Hậu cứ đóng ở Pleiku. Ngày về làm đám
cưới, đôi giày saut của anh còn bám đầy đất đỏ hành quân. Đám cưới chúng
tôi được tổ chức tại một nhà hàng nằm gần bờ biển, không xa tòa tỉnh,
nơi vừa mới trải qua khói lửa Mậu Thân.
Sau
đám cưới, cha mẹ chồng cho tôi theo anh lên Pleiku một tháng, rồi phải
trở về sống ở nhà chồng, bởi anh đi hành quân liên miên, không an toàn
khi tôi phải sống một mình. Chỉ những khi nào tiểu đoàn về hậu cứ dưỡng
quân, anh đánh điện tín để tôi lên với anh.
Mãi đến ba năm sau, tôi mới sinh cho
anh đứa con đầu lòng. Một đứa con trai bụ bẫm. Có lẽ vì nặng nợ với núi
rừng, anh đề nghị tôi đặt tên cho con là Cao Nguyên, Lê Cao Nguyên. Anh
về phép thăm con khi cháu vừa đầy tháng. Càng lớn Cao Nguyên càng giống
cha. Đôi mắt to, sóng mũi cao, và đặc biệt là trên đầu mỗi vành tai đều
có một “lỗ tai nhỏ” như ba nó.
Chỉ
đúng một tuần sau khi chia tay vợ con về đơn vị, anh bị thương nặng
trong lúc đơn vị hành quân giải vây căn cứ Pleime. Tôi bồng con lên
Pleiku. Hậu cứ lo cho mẹ con tôi nơi ăn chốn ở và có xe đưa đón mỗi ngày
để tôi thăm và săn sóc anh trong quân y viện. Sau khi xuất viện, đôi
chân còn đi khập khiễng, nên anh được chuyển về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đảm
trách một công tác tham mưu ở hậu cứ. Mẹ con tôi ở lại Biển Hồ với anh
kể từ ngày ấy. Mẹ chồng tôi rất nhân từ, thường xuyên lên thăm chúng tôi
và thuê cho tôi một người giúp việc. Cuối năm 1973, trong một lần VC
pháo kích vào trại gia binh làm một số đàn bà con nít bị thương, trong
đó có cháu Cao Nguyên. Rất may, mảnh đạn gây một vết thương khá lớn ở
cánh tay, nhưng không vào xương. Sau hôm ấy, chúng tôi ra thuê một căn
nhà bên ngoài doanh trại để ở. Năm sau, khi Cao Nguyên vừa tròn hai
tuổi, tôi sinh đứa con thứ nhì. Lần này là con gái. Con bé giống mẹ,
được chúng tôi đặt tên Thùy Dương để nhớ thành phố biển Nha Trang, nơi
hai chúng tôi lớn lên và yêu nhau.
Mấy
năm sống ở Pleiku, cái thành phố “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, những
ngày nắng chỉ thấy toàn bụi đỏ, còn những ngày mưa bùn bám dính gót
chân. Pleiku đúng là một thành phố lính. Những người vợ lính sống ở đây
dường như chỉ để chờ chồng trở về sau những cuộc hành quân, hoặc để chăm
sóc chồng những ngày bị thương nằm trong quân y viện. Với họ thì đúng
là “may còn có anh đời còn dễ thương”. Trong số ấy đã có biết bao người
trở thành góa phụ!
Giữa
tháng 3/75, sau đúng một tuần Ban Mê Thuột mất vào tay giặc, một buổi
sáng, từ bản doanh Liên Đoàn về, chồng tôi hối hả bảo mẹ con tôi và chị
giúp việc thu dọn đồ đạc gấp, bỏ lại mọi thứ, chỉ mang theo những gì cần
thiết, nhất là thức ăn và sữa cho các con, theo anh vào hậu cứ.
Khi
vừa đến cổng trại, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều đã ngồi
sẵn trên xe. Chúng tôi rời khỏi doanh trại. Thành phố Pleiku như đang
ngơ ngác trước những người từng bao năm sống chết với mình nay vội vàng
bỏ đi không một tiếng giã từ. Đang giữa mùa xuân mà cả một bầu trời u
ám. Pleiku tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa đổ xuống khi đoàn xe vừa ra
khỏi thành phố. Đến ngã ba Mỹ Thạnh, đoàn xe dừng lại. Phía trước chúng
tôi dày đặc xe và người, vừa dân vừa lính, đủ các binh chũng, đủ các
loại xe, kể cả xe gắn máy. Tôi nghe chồng tôi và bạn bè nói là một số
đơn vị Biệt Động Quân được chỉ định đi sau, ngăn chận địch quân tập hậu
để bảo vệ cho đoàn quân di tản! Đây là trách nhiệm nguy hiểm và nặng nề
nhất trong một cuộc hành quân triệt thoái.
Hơn
một ngày mò mẫm trên Tỉnh Lộ 7, chúng tôi đến thị xã Hậu Bổn vào lúc
trời sắp tối. Vừa dừng lại chưa kịp ăn cơm thì bị pháo kích và súng nổ
khắp nơi. Xe và người dẫm lên nhau trong cơn hốt hoảng. Địch đã bao vây.
Các đơn vị biệt động quân chống trả kiên cường, nhưng địch quá đông, và
bên ta thì vừa quân vừa dân chen chúc nhau hỗn độn. Trong lúc nguy nan
này trời lại giáng xuống cho bên ta thêm một điều bất hạnh: Một chiếc
phản lực cơ dội bom nhầm vào quân bạn. Đoàn xe vội vã rời Hậu Bổn, di
chuyển đền gần Phú Túc thì lại bị địch tấn công từ khắp hướng. Nhiều xe
bốc cháy và rất nhiều người chết hoặc bị thương. Cả đoàn xe không nhúc
nhích được. Chúng tôi có lệnh bỏ lại tất cả xe cộ, băng rừng tìm đường
về Củng Sơn. Chồng tôi, vừa chiến đấu vừa dẫn đường chúng tôi cùng một
số binh sĩ, vợ con. Tôi dắt theo Cao Nguyên còn chị giúp việc bồng cháu
Thùy Dương. Chúng tôi lầm lũi trong rừng. Tiếng súng vẫn còn ầm ĩ, những
viên đạn lửa như muốn xé màn đêm. Khi chúng tôi mệt lả cũng là lúc đến
bờ một con sông nhỏ. Chồng tôi lo chỗ ngủ cho mẹ con tôi dưới một gốc
cây, rồi cùng một số đồng đội chia nhau canh gác. Mệt quá, tôi ngủ vùi
một giấc, thức dậy thì trời vừa sáng. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Tôi không còn đủ sức để bồng Cao Nguyên, nên chồng tôi phải dùng cái
võng nilong gùi cháu sau lưng, bên ngoài được phủ bằng cái áo giáp. Vừa
ra khỏi bìa rừng tôi ngạc nhiên khi thấy từng đoàn người lũ lượt kéo
nhau đi cùng hướng chúng tôi, trong đó có nhiều người vừa bị thương,
mình đầy máu. Tôi nghĩ họ cũng là những vợ chồng, con cái, cha mẹ dắt
dìu nhau đi tìm sự sống. Hình như họ không còn mang theo bất cứ thứ gì.
Nhìn nét mặt ai nấy cũng kinh hoàng. Chồng tôi bàn bạc cùng một số bạn
bè trong đơn vị, chúng tôi lại tách khỏi đám đông này, tìm một lộ trình
khác mà đi, để tránh sự phát hiện của địch. Vừa rời đoàn người vài phút
thì đạn pháo thi nhau rót xuống. Tiếng la khóc thất thanh cộng với tiếng
súng nổ khắp nơi làm cho cả một khu rừng như trải qua một cơn địa chấn.
Trong nhóm chúng tôi cũng đã có một số người chết. Đến lúc này thì mạnh
ai nấy tìm đường sống. Gia đình tôi cùng gia đình vài người bạn nữa
chạy vào khu rừng phía trước, nơi không nghe tiếng súng. Kinh nghiệm bao
nhiêu năm chiến trận, bây giờ chồng tôi chỉ còn dùng để mong cứu được
vợ con mình. Địch quân tràn ngập. Một số đơn vị tan rã. Đồng đội kẻ chết
người bị thương. Có thể một số đã bị bắt. Tôi không thể tưởng tượng
được số mệnh bi thảm của những người lính biệt động một thời oanh liệt
trên khắp chiến trường, giờ này lại tan tác trong bất ngờ, tức tưởi!
Chồng tôi suýt bật khóc, khi nghe cấp chỉ huy truyền lệnh từ ông tướng
tư lệnh Quân Đoàn: “Đạp lên mà đi!” Trong cả đời binh nghiệp, chắc những
người lính không còn nhận cái lệnh nào đau đớn hơn thế nữa!
Sau
chừng một tiếng đồng hồ băng rừng, chúng tôi bất ngờ gặp một toán lính
hơn 20 người thuộc tiểu đoàn cũ của chồng tôi. Thầy trò chưa kịp nắm tay
mừng rỡ thì súng nổ. Địch quân phía trước mặt. Trở lại cương vị chỉ
huy, chồng tôi lưng mang con, điều động anh em xông vào trận mạc. Một
cuộc đánh tốc chiến, toán địch quân bị tiêu diệt. Chồng tôi quay lại tìm
và hướng dẫn đám đàn bà con nít chúng tôi đi tiếp. Trong núi rừng đêm
xuống thật nhanh. Cái bóng tối bây giờ thật rợn người. Tôi hình dung đến
cái bóng của tử thần. Chúng tôi dừng lại trên một ngọn đồi thấp. Tội
nghiệp cho những người lính trung thành. Đáng lẽ họ lợi dụng bóng đêm để
đi tiếp, vì đó là sở trường của họ, nhưng thấy một số vợ con bạn bè
cùng vài anh em bị thương không thể đi nổi, nghe lời chồng tôi, tất cả
cùng ở lại qua đêm. Sau khi sắp xếp anh em phòng thủ, chồng tôi trở lại
phụ lo chỗ nằm cho mẹ con tôi. Tối hôm ấy, dù mệt, nhưng sao tôi cứ trằn
trọc, không ngủ được. Chồng tôi ôm tôi dựa vào một gốc cây. Anh ôm tôi
thật chặt vào lòng, thỉnh thoảng hôn nhẹ tôi, trên môi, trên tóc. Trong
hoàn cảnh này chẳng ai còn lòng dạ nào để lãng mạn yêu thương, nhưng có
lẽ anh đang tội nghiệp cho một người con gái đã trót chọn chồng là lính
chiến. Và không ngờ đó lại là những nụ hôn cuối cùng anh dành cho tôi.
Buổi sáng sớm khi vừa xuống chân đồi, chúng tôi chạm súng với địch. Cũng
là lần cuối cùng tôi chứng kiến những người lính biệt động can trường.
Các anh phân tán từng toán nhỏ, xông vào lòng địch mà đánh, tiếng thét
“Biệt Động Quân Sát” vang dội cả một vùng. Nghe súng nổ, tôi đoán lực
lượng địch đông lắm. Một anh trung sĩ bị thương ở cánh tay trong trận
đánh hôm qua, được chỉ định dắt tất cả đám đàn bà con nít chúng tôi ra
khỏi vùng giao chiến. Đã vậy anh còn phải dìu theo một người lính bị
thương khác.Vợ chồng tôi thất lạc nhau kể từ phút ấy. Tôi còn lạc mất cả
cháu Cao Nguyên, được ba nó gùi theo phía sau lưng ngay cả những khi
lâm trận. Không biết chiếc áo giáp có đủ che chắn hình hài bé nhỏ của
con tôi. Hình ảnh này trước đây tôi nghĩ chỉ có diễn ra trong mấy cuốn
truyện Tàu mà tôi đã đọc.
Tiếp
tục di chuyển chừng vài giờ đồng hồ nữa, khi tới một con đường mòn,
chúng tôi lại nghe súng nổ. Anh trung sĩ dẫn đường chúng tôi nhận ra
từng loạt lựu đạn nổ, bảo tât cả chúng tôi nằm rạp xuống. Chờ im tiếng
súng, đám chúng tôi rời con đường mòn, chạy về hướng rừng bên phải, mà
theo anh trung sĩ, có thể an toàn hơn. Khi đến bìa rừng, tôi bàng hoàng
nhìn thấy mấy người lính biệt động quân nằm chết bên cạnh xác quân thù,
máu me lai láng. Sau này tôi được biết những người lính này bị địch bao
vây, đã tự sát để cùng chết chung với giặc. Đi vào cánh rừng bên phải
chỉ vài trăm mét nữa thì chúng tôi bị một đám khá đông VC chặn lại. Anh
trung sĩ bị tước hết vũ khí. Tất cả chúng tôi bị lùa vào bên bờ suối
nhỏ. Ở đây tôi gặp một số sĩ quan, binh sĩ của ta bị bắt, nhiều người
tay bị trói ngược ra sau, ngồi theo hàng dọc quay lưng ra suối, trước
họng súng sẳn sàng nhả đạn của kẻ thù. Tôi cố ý tìm xem, nhưng không
thấy chồng tôi trong số người bị bắt. Lòng tôi lo âu vô hạn. Từ lúc ấy,
tiếng súng tạm im, chỉ còn tiếng quát tháo với cái giọng rất khó nghe
của đám người thắng trận. Tất cả chúng tôi bị lùa về địa điểm tập trung,
một ngôi trường nằm trong huyện Củng Sơn (Sơn Hòa).
Trong
cảnh khốn cùng này, tôi chỉ còn lại một điều may mắn. Chị giúp việc rất
tốt bụng và trung thành. Vừa bồng bế, bảo bọc cho cháu Thùy Dương, vừa
lo lắng cho tôi. Chị đi đâu đó xin cho tôi nửa bát cơm, nhưng tôi không
nuốt nổi, mặc dù đã trải qua hai ngày đói khát. Nhìn đứa con gái vừa mới
lên hai lây lất bên cạnh và nghĩ tới chồng tôi và đứa con trai giờ này
không biết sống chết ra sao, lần đầu tiên tôi bật khóc.
Cuối
cùng thì tôi cũng lần mò về đến Nha Trang, khi thành phố này cũng vừa
lọt vào tay giặc. Khi nhận ra tôi, mẹ tôi ôm tôi vào lòng và khóc như
mưa. Tôi không đủ can đảm mang tin buồn đến nhà chồng, nhờ cha tôi sang
báo tin tôi và cháu Thùy Dương vừa mới về nhà, chồng tôi và cháu Cao
Nguyên còn đang mất tích. Cả nhà chồng kéo sang thăm tôi, bồng cháu Thùy
Dương về nhà săn sóc. Mẹ chồng tôi thẫn thờ cả mấy ngày liền khi nhận
được tin này. Nằm nhà hơn một tuần, nhờ mẹ tận tình chăm lo, sức khỏe
tôi đã gần bình phục, tôi xin được trở lại Phú Bổn tìm chồng và cháu Cao
Nguyên. Cả nhà tôi và cha mẹ chồng đều ái ngại, âu lo. Nhưng qua sự nài
nỉ của tôi, cuối cùng cha mẹ chồng cho đứa em trai út của chồng tôi,
dùng xe honda chở tôi ngược đường lên Tỉnh Lộ 7..
Mặc
dù đã chứng kiến bao nhiêu máu lửa tang tóc, cũng như đã chuẩn bị tinh
thần, nhưng tôi thực sự kinh hãi những gì trước mắt, khi nhìn thấy ngổn
ngang bao nhiêu xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người con vương vãi đó
đây, bao nhiêu nấm mộ lấp vội bên đường. Cả một vùng xông mùi tử khí.
Chiếc khăn bịt miệng tẩm ướt dầu Nhị Thiên Đường đã giúp tôi và cậu em
vượt qua chặng đường gần 100 cây số. Đến Cheo Reo, hỏi thăm một vài
người dân, được biết một số sĩ quan bị bắt làm tù binh, đang còn giam ở
Thuần Mẫn. Chúng tôi đến đó, trình giấy phép đi tìm chồng của Ủy Ban
Quân Quản, mới được cho vào trại. Sau khi tên VC trực ban cho biết không
có tên chồng tôi trong danh sách tù binh, tôi xin được gặp bất cứ một
sĩ quan nào cùng đơn vị với chồng tôi. Rất may, tôi được gặp anh đại đội
phó lúc chồng tôi còn ở tiểu đoàn. Anh cho biết là có gặp một số binh
sĩ cùng chồng tôi chiến đấu dưới ngọn đồi gần đèo Tu Na. Họ cho biết
chồng tôi bị thương, nhưng cố tìm cách đưa cháu Cao Nguyên đến một nơi
nào đó. Tôi sáng lên niềm hy vọng. Ngay hôm ấy tôi thuê năm người
Thượng, theo tôi lần theo con đường dọc bờ sông mà tôi còn nhớ, trở lại
khu đồi thấp, rồi bung ra xa đi tìm. Liên tục trong một tuần, chúng tôi
chỉ tìm được mấy bộ xương người, một số ngôi mộ vô danh, nhưng không
thấy dấu vết của chồng tôi. Tôi trở về mang theo niềm tuyệt vọng, không
chỉ cho tôi, mà cho cả nhà chồng.
Cha
mẹ chồng tôi lập bàn thờ cho chồng tôi và Cao Nguyên, đứa cháu đích tôn
của ông bà. Ngày 19 tháng 3 là ngày giỗ của hai cha con.
Hàng
năm, cứ đến ngày này, tôi và Thùy Dương đều trở lại Phú Bổn, tìm đến
chân đồi, dưới gốc cây nằm giữa đỉnh đồi, mà đêm cuối cùng chồng tôi ôm
tôi vào lòng, thắp hương tưởng niệm anh và cháu Cao Nguyên. Tôi đã dùng
dao khắc đậm tên anh và cháu Cao Nguyên vào thân cây.Và lần nào, khi
nước mắt ràn rụa, trong tiếng gió rừng, tôi mơ hồ như có tiếng khóc từ
gốc cây này, rồi văng vẳng bao nhiêu tiếng khóc từ những thân cây khác,
từ những khúc gỗ nằm vương vãi do bom đạn hôm nào, tạo thành một thứ âm
thanh não nùng, xé ruột.
Tôi
đã mang dư âm của tiếng khóc ấy đến tận Bắc Âu, nơi mẹ con tôi định cư
sau chuyến vượt biển được một chiếc tàu của vương quốc Na Uy cứu vớt.
Tháng 5 năm 1985, cha mẹ chồng tôi góp vàng cùng một người bạn ở vùng
biển Lương Sơn đóng ghe vượt biển. Tôi, cháu Thùy Dương và một đứa em
trai của tôi được đi cùng với gia đình chồng. Tôi cũng xin được một chỗ
cho chị giúp việc lúc trước (chị đã về quê trên vùng Diên Khánh, sau
ngày cùng tôi thoát chết trở về), nhưng chị chối từ. Tôi âm thầm gom
nhặt tài sản của nhà chồng và của tôi mang lên biếu chị trước khi rời
khỏi quê nhà.
Hai
mươi năm sau, khi Thùy Dương vừa làm đám cưới, tôi muốn đưa vợ chồng
cháu về lại Việt Nam trình diện ông bà ngoại, và đến địa điểm cuối cùng
khi chồng tôi và Cao Nguyên còn sống, như là một nghĩa cử để cháu tưởng
nhớ đến cha và anh mình. Chúng tôi đến đây đúng vào giữa mùa Xuân, một
ngày trước ngày giỗ chồng và đứa con trai.
Con
đường Tỉnh Lộ 7 ngày xưa bây giờ đã được tráng nhựa và đổi tên thành
Quốc Lộ 25. Chúng tôi thuê bao một chiếc xe tám chỗ ngồi. Ngoài tôi và
vợ chồng cháu Thùy Dương, còn có cậu em trai út của tôi và vợ chồng chị
giúp việc ngày xưa. Chúng tôi đến Cheo Reo, bây giờ có tên mới là A Yun
Pa thuộc tỉnh Gia Lai. Tất cả không còn gì dấu vết của chiến tranh.
Người ta đã cố tình trát phấn tô son lên thành phố núi này để có dáng
dấp của thời kỳ đổi mới. Màu sắc lòe loẹt, vài ngôi nhà cao tầng quê mùa
kệch cỡm, những ngôi nhà sàn “cải biên” thành những biệt thự của các
ông quan lớn, nằm chơ vơ giữa một vùng nghèo nàn được mang tên “thị xã”.
Nhìn dãy núi Hàm Rồng từ xa, ẩn hiện trong những đám mây mù, lòng tôi
chùng xuống. Nơi ấy, đã bao lần tôi đến thăm chồng, để được hòa mình vào
đơn vị với những người lính trẻ, sẵn sàng chết cho quê hương. Cũng ở
nơi ấy tôi đã vinh dự chứng kiến chồng tôi cùng nhiều anh em đồng đội
được ông tướng Vùng gắn huy chương lên ngực áo khi ban quân nhạc trổi
khúc quân hành. Tất cả bây giờ đã trở thành huyền thoại.
Sau
khi thuê phòng trọ, tắm rửa và cơm nước xong, chúng tôi hỏi đường đến
tháp Yang Mun và tháp Drang Lai. Vì nghe dân ở đây bảo các vị thần Chàm
trong hai ngôi tháp này linh thiêng ghê lắm. Tôi khấn vái và xin xăm.
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi lá xăm tôi bốc trúng lại là bốn câu Kiều của
ông Nguyễn Du:
Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
Tôi
bán tín bán nghi, vì nghe nhiều người nói ở Việt Nam, chuyện cúng bái,
mê tín dị đoan, bây giờ là một business. Chẳng lẽ ông thần Chàm này lại
thuộc cả truyện Kiều. Nghĩ như vậy, nhưng thấy bốn câu thơ lại đúng vào
trường hơp của mình, tôi cũng thấy lòng buồn vô hạn. Trở về phòng trọ,
bà chủ nhà cho biết ngày mai có chợ phiên của người dân tộc, vừa đông
vui vừa có thể mua nhiều thứ thổ sản, gia cầm với giá rất rẻ. Tôi cũng
muốn mua mấy con gà, để cúng chồng tôi. Khi còn sống anh thích ăn gà
luộc. Bà còn cho biết thêm dân chúng ở vùng này đa số là người Thượng
thuộc các sắc tộc Djarai, Bahnar, Hroi và M’dhur. Có một số sống trong
các bản rất xa, cách thị xã này từ 10 tới hơn 20 cây số.
Sau
một đêm trằn trọc với những cơn ác mộng, vừa mới chợp mắt tôi đã nghe
tiếng người réo gọi nhau. Ngôn ngữ của các sắc tộc, tôi không hiểu họ
nói gì. Chợ phiên nhóm rất sớm.
Chúng
tôi vội vàng ăn sáng rồi kéo nhau ra khu chợ, nằm không xa trước nhà
trọ. Tôi có cảm giác lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên tôi đến một buổi chợ
phiên của người sắc tộc. Đã vậy vợ chồng cháu Thùy Dương cứ theo hỏi tôi
điều này điều nọ. Khi đang cố giải thích về nguồn gốc của người Thượng,
chúng tôi đến một quày gà. Những con gà tre nhỏ xíu được nhốt trong mấy
cái lồng đan bằng tre. Tôi ngồi xuống lựa hai con gà béo nhất, bảo
người chủ bắt hộ hai con gà này ra khỏi lồng. Người chủ là một anh đàn
ông Thượng vừa đen vừa ốm, nói tiếng Việt chưa sõi.. Khi anh xăn tay áo
lên và thò tay vào lồng gà, tôi bỗng giật mình khi phát hiện vết sẹo
trên cánh tay trái. Vết sẹo có hình dáng đầu một con cọp. Tôi nhớ tới
Cao Nguyên, đứa con trai ba tuổi, bị thương trong trận pháo kích của VC
vào trại gia binh ở Biển Hồ. Vết thương trên cánh tay cháu sau khi chữa
lành cũng để lại một vết sẹo có hình ảnh đầu một con cọp. Biểu tượng
binh chủng Biệt Động Quân mà chồng tôi luôn mang trên vai áo. Tôi biến
sắc, nắm chặt cánh tay anh người Thượng và nhìn vào mặt anh ta. Cũng hai
con mắt khá to, cũng cái sóng mũi cao, nhưng khuôn mặt cháy nắng, mái
tóc màu nâu sậm như màu đất đỏ Pleiku. Không có nét đẹp của Cao Nguyên
ngày trước. Anh người Thượng ngượng ngùng, cúi mặt xuống, khựng lại.
Nhưng tôi kịp nhớ ra trên vành tai của Cao Nguyên có một lỗ tai nhỏ,
giống như ba nó, tôi cúi xuống để nhìn kỹ vào tai anh người Thượng. Tôi
bàng hoàng khi nhận ra hai cái lỗ tai nhỏ trên hai vành tai. Bất giác,
tôi ôm chầm lấy anh và nước mắt trào ra. Nhưng anh bán gà đẩy mạnh tôi
ra rồi nói một tràng tiếng Thượng. Vợ chồng cháu Thùy Dương ngơ ngác
nhìn tôi, không biết xảy ra điều gì. Nghĩ tới chị giúp việc ngày trước
có thể xác nhận cùng tôi đôi điều kỳ lạ, tôi bảo cháu Thùy Dương đi gọi
chị từ gian hàng hoa lan phía trước. Tôi kéo chị ra xa, nói vào tai chị:
- Chị nhìn kỹ anh người Thượng này xem có giống ai không?
Sau một lúc nhìn không chớp mắt, mặt chị biến sắc, rồi không trả lời tôi mà thì thầm một mình:
- Thằng Nguyên? Chẳng lẽ là thằng cu Nguyên?
Rồi chị nhìn thẳng vào mặt anh ta hỏi:
- Mày có phải là thằng Nguyên, Lê Cao Nguyên không?
Anh người Thượng lắc đầu:
- Tao là thằng Ksor Tlang,
Tôi mua hết những lồng gà hôm ấy và đưa cho anh một nắm tiền. Sau khi đếm xong anh trả lại cho tôi hơn một nữa, rồi buột miệng:
- Mày bắt cái con gà nhiều tiền quá!
Tôi
mất hết bình tĩnh, bảo vợ chồng chị giúp việc đứng giữ anh ta, rồi chạy
vào phòng trọ tìm bà chủ nhà. Tôi kể rất vắn tắt những gì đã xảy ra. Có
lẽ bà ta là người tai mắt ở đây, nhưng là một người tốt bụng, nhấc điện
thoại gọi công an. Chưa đầy ba phút, hai gã công an chạy tới bằng xe
gắn máy, một Kinh một Thượng, cúi đầu chào bà chủ. Chưa kịp nói gì, bà
chủ kéo tay hai gã công an ra chợ. Vừa đi bà vừa giải thích. Đến nơi, gã
công an nói một tràng tiếng Thượng. Tôi không hiểu gì nhưng thấy anh
bán gà gân cổ cãi lại. Cuối cùng hai người công an kéo anh đi, mặc dù
anh cố tình chống lại. Chúng tôi đi theo phía sau trở về phòng trọ.
Qua
trung gian của bà chủ nhà trọ, tôi nhờ gã công an giúp tôi, dịch lại
các điều trao đổi giữa tôi với anh bán gà, và cố gắng bằng mọi cách tìm
ra tông tích của anh ta. Tôi nhét vào tay bà chủ nhà trọ hai tờ giấy bạc
100 đô la.
- Em có cha mẹ không? Tên ông bà là gì?
- Tôi có cha mẹ . Cha tôi tên Ksor H’lum, mẹ tôi tên H’Nu.
- Có anh em không?
- Không.
- Anh có nhớ ngày sinh không?
- Không
(Gã công an nhìn sang tôi, bảo là sẽ tìm khai sinh sau)
- Anh có nhớ lúc còn nhỏ, khi ba, bốn tuổi anh ở đâu không?
- Không! Thì chắc tôi ở với cha mẹ tôi mà.
- Cái sẹo trên cánh tay trái, anh biết vì sao mà có cái sẹo này không?
(Gã công an bảo anh xăn tay áo lên và chỉ vào vết sẹo)
- Không! Chắc là bị cành cây đâm trúng.
Tôi thở ra thất vọng. Nhưng vừa chợt nghĩ ra điều gì, tôi lại hỏi:
- Cha mẹ anh đang ở đâu?
- Buôn Ban Ma Dek.
(Gã công an nhìn tôi, bảo Ban Ma Dek cách đây hơn 10 cây số)
- Anh ở chung với cha mẹ anh?
- Không, ở bên cạnh, với vợ và hai đứa con.
- Đã có vợ con rồi à! Tôi buột miệng.
Tôi
đề nghị hai gã công an cùng đi với chúng tôi và anh bán gà về buôn Ban
Ma Dek. Sau khi hỏi nhỏ bà chủ nhà trọ, hai gã công an gật đầu. Nhưng
bảo là chúng tôi phải thuê xe ôm, vì về buôn Ban Ma Dek chỉ có đường
rừng, xe ô tô không chạy được. Bà chủ nhà trọ gọi hộ chúng tôi bảy cái
xe ôm.
Cha
mẹ của anh bán gà đã khá già, trước đây chỉ sống lẻ loi trong núi nên
không nói được tiếng Việt. Chúng tôi lại trao đổi qua sự thông dịch của
gã công an người Thượng. Vợ và hai con của Ksor Tlang thấy có nhiều
người cũng chạy sang nhìn.
Ông
bà cứ nhất quyết Ksor Tlang là con đẻ của ông bà. Nhưng thấy tôi khóc
lóc, năn nỉ và nhờ gã công an gạn hỏi, cuối cùng ông cha mới kể lại sự
thực:
-
Năm ấy, lâu rồi, sau mấy ngày chiến trận ác liệt, mà vợ chồng tôi phải
nằm suốt sau tảng đá to trước nhà để tránh đạn. Bỗng một buổi chiều có
người lính mặc áo rằn ri, bị thương nặng lắm, nhưng cố lếch vào dưới căn
nhà sàn của tôi rồi gục chết, trên lưng có mang một đứa bé. Nó là thằng
Ksor Tlang bây giờ.
- Rồi xác người lính ấy ở đâu? Tôi hỏi.
Ông chỉ tay ra rừng cây phía trước:
- Tôi đã chôn ông ta dưới gốc cây ấy, rồi rào lại, sợ thú rừng bới lên ăn thịt.
Chúng tôi theo hai người công an dìu ông già đi về phía khu rừng.
Tôi
khóc ngất khi nhìn thấy nấm mồ thấp lè tè nằm dưới tàng cây, được rào
lại bằng những que gỗ nhỏ. Vợ chồng cháu Thùy Dương cũng quỳ xuống ôm
vai tôi mà khóc. Tôi ngước lên dáo dác tìm Ksor Tlang, thằng Cao Nguyên,
đứa con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Nó đang đứng bất động, hai tay
nắm chặt hai đứa con đang trần truồng, đen đúa. Tôi chạy lại ôm hai đứa
nhỏ vào lòng, nhưng cả hai đứa trố mắt nhìn tôi dửng dưng, xa lạ.
Tôi
khóc lóc, năn nỉ lắm, ông già mới cùng vợ chồng và hai đứa con thằng
Ksor Tlang về nhà trọ với tôi. Nhờ bà chủ thuê một cậu học trò thông
dịch. Suốt một đêm, tôi, cháu Thùy Dương và vợ chồng chị vú giúp việc
ngày xưa, giải thích, khóc hết nước mắt, xin vợ chồng Ksor Tlang và hai
đứa con theo chúng tôi về Nha Trang ở với ông bà ngoại, rồi tôi sẽ tìm
cách đưa sang Na Uy. Cả hai ông bà già, nếu muốn, chúng tôi sẽ mua nhà
cửa ở Nha Trang và chu cấp tiền bạc cho ông bà sống gần Ksor Tlang.
Nhưng cả Ksor Tlang và ông già một mực chối từ, bảo là họ không thể nào
bỏ bản mà đi. Núi rừng mãi mãi là nhà của họ. Họ không thể sống xa rừng
cũng như loài cá không thể sống mà không có nước.
Dự
trù lên đây ba ngày. Vậy mà chúng tôi đã ở lại đây hơn hai tuần rồi.
Ban đầu tôi dự định xin phép cha mẹ nuôi của Ksor Tlang cho tôi cải táng
phần mộ của chồng tôi, mang về an táng trong nghĩa trang gia tộc ở Nha
Trang, nhưng rồi tôi đã đổi ý. Bởi anh phải nằm ở đây, bên cạnh đứa con
trai và hai đứa cháu nội của anh, mặc dù bây giờ tất cả đã trở thành
người Thượng và chắc không biết gì về anh. Và có lẽ anh cũng muốn nằm
lại với bao nhiêu đồng đội, một thời cùng anh vào sinh ra tử, mà linh
hồn chắc đang còn phảng phất ở quanh đây. Tôi mướn thợ xây lại ngôi mộ.
Trên tấm bia không có hình chân dung của anh, mà có tấm ảnh anh chụp
chung với tôi cùng hai cháu Cao Nguyên và Thùy Dương trong ngày sinh
nhật bốn tuổi của Cao Nguyên, chỉ hơn một tháng trước ngày anh mất. Tấm
ảnh này lúc nào tôi cũng mang theo.
Tôi
cũng không thể bắt Cao Nguyên và vợ con phải rời khỏi núi rừng, nơi đã
cưu mang nó. Có lẽ cái tên Cao Nguyên mà ngày xưa chồng tôi đề nghị đặt
cho nó đã vận vào cuộc đời của nó. Điều làm tôi đau đớn hơn là tôi chẳng
làm được điều gì cho đứa con trai ruột thịt máu mủ của mình, ngoài việc
nhờ bà chủ nhà trọ thuê người dựng cho vợ chồng nó và ông bà cha mẹ
nuôi một ngôi nhà sàn chắc chắn và rộng rãi hơn, sắm cho vợ chồng nó và
hai đứa con một số quần áo mới. Nhưng phải năn nỉ khóc lóc mãi nó mới
chịu nhận, cùng số tiền 200 đô la. Bằng đúng số tiền mà tôi đã trả công
cho hai gã công an!
Ngày
cuối cùng, chúng tôi ở lại với vợ chồng Cao Nguyên trên ngôi nhà sàn
mới. Buổi chiều, tôi bảo Cao Nguyên và vợ con nó, thay quần áo mới, cùng
với tôi và vợ chồng Thùy Dương ra thắp hương trước mộ ba nó. Nó quỳ bên
cạnh tôi, cúi đầu nói điều gì lầm thầm trong miệng và khi ngước lên,
đôi mắt đỏ hoe. Suốt đêm hôm ấy, tôi ngồi khóc một mình.Tôi nghĩ tình
mẫu tử thật thiêng liêng, nhưng có lẽ ông trời đã phạt tôi. Tôi sinh ra
Cao Nguyên, nhưng không bảo vệ được con mình, để mất nó trong núi rừng
này từ ngày chỉ vừa lên bốn tuổi.
Tôi
rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo Tỉnh Lộ 7 ngày xưa,
mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu
trời nhuộm màu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước
mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa, mà tất cả đều mang hình dáng
của những bộ xương người nối tiếp nhau, trùng điệp. Tai tôi nghe trăm
ngàn tiếng khóc quyện vào trong gió. Không biết đó là tiếng khóc của
người hay tiếng khóc của cây?
Phạm Tín An Ninh
(phỏng theo lời kể của một người vợ lính BĐQ)
Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
- Tôi có cha mẹ . Cha tôi tên Ksor H’lum, mẹ tôi tên H’Nu.
- Có anh em không?
- Không.
- Anh có nhớ ngày sinh không?
- Không
- Cái sẹo trên cánh tay trái, anh biết vì sao mà có cái sẹo này không?
- Cha mẹ anh đang ở đâu?
- Buôn Ban Ma Dek.
- Buôn Ban Ma Dek.
- Anh ở chung với cha mẹ anh?
- Không, ở bên cạnh, với vợ và hai đứa con.
- Đã có vợ con rồi à! Tôi buột miệng.
- Không, ở bên cạnh, với vợ và hai đứa con.
- Đã có vợ con rồi à! Tôi buột miệng.
Phạm Tín An Ninh
(phỏng theo lời kể của một người vợ lính BĐQ)
(phỏng theo lời kể của một người vợ lính BĐQ)
Đọc ‘Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân’ của Phạm Tín An Ninh
Là một cựu chiến binh quân lực VNCH, như đa số những đồng đội của anh, nhà văn Phạm Tín An Ninh đã phải trải qua nhiều năm trường gian khổ trong trại tù cải tạo. Anh viết nhiều về thân phận những người hùng ngã ngựa, mà theo nhà thơ Quan Dương, những người lính VNCH chỉ cần giở sách anh ra là hầu hết sẽ thấy chính mình trong đó. Trong cả hai tác phẩm của mình, gồm tác phẩm đầu tay "Ở Cuối Hai Con Đường" và tác phẩm thứ hai với tựa đề "Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân" được giới thiệu đến độc giả ngày hôm nay, tác giả đều có những dòng vinh tặng trang trọng dành cho thân phụ của anh đã không may qua đời trong traị tù cải tạo cùng với đồng đội, bạn bè của anh đã chết trong chiến tranh hay ngục tù cộng sản.
Trong những cuộc phỏng vấn, Phạm Tín An Ninh nói rằng anh không hề muốn là một nhà văn, mà chỉ muốn viết để vơi bớt những đớn đau dằn vặt trong lòng mình, đặc biệt là để chia sẻ những nỗi đau thương mất mát với đồng đội của mình. Thế nhưng anh đã đạt được những thành công vượt ra ngoài dự tính trong những buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ cũng như tại Úc Châu. Các truyện ngắn của anh đã tạo nên tiếng vang tại nhiều nơi trên thế giới, và được sự đón nhận và cảm thông đến từ mọi thành phần độc giả, kể cả thế hệ trẻ, bao gồm thế hệ một rưỡi ở nước ngoài như cá nhân người soạn bài viết này, và ngay cả nhiều độc giả rất trẻ ở trong nước. Điều này cho thấy ngòi bút của Phạm Tín An Ninh có sức rung động vượt ra khỏi giới hạn của những hồi tưởng dành riêng cho những người lính, vi`nó đã phản ảnh được những gì rộng lớn hơn, đó là số phận bi thảm của cả một đất nước và một dân tộc từ sau ngày miền Nam thất thủ, và những long đong của thân phận con người.
Trong "Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân", cũng như trong "Ở Cuối Hai Con Đường", hình ảnh những người lính VNCH trước và sau tháng 4/1975 cũng như tình cảnh của những người thân thương của họ, là những hình ảnh nổi bật nhất, bi tráng nhất. Đây là những người trai trẻ sanh ra lầm thời đại, lầm thế kỷ. Chúng ta gặp những người bạn cùng làng, cùng lớp, hoặc cùng khoá huấn luyện, cùng đơn vị với tác giả, những thanh niên yêu đời, yêu người, với những ước mơ hiền hòa, những vui đùa vô tư như biết bao nhiêu thanh niên khác, nhưng họ chỉ được hưởng một thời gian hạnh phúc quá ngắn ngủi, để rồi phải vào lính xông pha ngòai trận địa.
Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi, những sự ra đi quá sớm, quá đột ngột, như nhân vật Phan trong truyện ngắn ‘Những đám mây trên đỉnh núi Phổ Đa`’. Người học trò hiền hòa tốt bụng, đa sầu đa cảm tên Phan chỉ vừa biết yêu, nhưng tốt nghiệp khoá huấn luyện Thủ Đức không bao lâu thì tử trận. Phạm Tín An Ninh viết về những mất mát về sinh mạng hết sức to lớn của cả một thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh phi nghĩa do Cộng Sản Bắc Việt gây ra, và` buộc miền Nam tự do phải chống trả lại để tự vệ. Trong thời gian giữa tháng 3/ 75, sau khi thành phố Ban Mê Thuột mất vào tay giặc, đơn vị của anh từ Pleiku sau đó phải triệt thoái theo con đường tử lộ 7B, khi về đến Tuy Hòa chỉ còn gần một phần tư quân số. Anh viết, ‘Rất nhiều đồng đội, bạn bè của tôi đã chết hay mất tích. Hai thằng bạn thân đều là tiểu đòan trưởng đã tự sát trước khi vào tay giặc’.
Những người sống sót qua cuộc binh đao, qua những năm tháng đoạ đày trong trong ngục tù cộng sản, khi được thả về lại phải đối diện với nhiều oan khiên trong cuộc sống. Bản thân tác giả, sau 8 năm tù tội, trở về làng cũ gặp người bạn cùng làng đã được thả về trước tác giả một năm. Cả hai bây giờ phải sống lang thang bên lề xã hội. Nhân vật Hồ Ngọc, người bạn tác giả, người quân nhân VNCH cao lớn đẹp trai tài hoa với biệt tài thổi sáo ngày xưa, bây giờ kiếm sống qua ngày bằng việc làm vườn trồng rau và sửa chữa xe đạp. Trong thời gian anh ở tù, người vợ xinh đẹp của anh bị một tên công an hãm hại và sau đó chị buộc lòng phải lấy hắn ta và có với hắn ta một đứa con gái. Còn những oan trái khác trong đời Hồ Ngọc buộc lòng anh không thể trở lại với người con gái anh đã từng yêu tha thiết, thế nhưng khi Hồ Ngọc tình cờ gặp lại tác giả hai mươi năm sau, nơi xứ lạ quê người, sau khi tâm sự cùng nhau, Hồ Ngọc không hề có thái độ oán trách về những bất hạnh mà mình đã gánh chịu mà chỉ có những lời từ tốn bao dung: …’Cả dân tộc đều tan tác bi thương qua cuộc thăng trầm quá lớn ấy, nỗi đau của mỗi một chúng ta đâu còn có nghĩa gi`. Tất cả chỉ đáng thương hơn là đáng trách!’.
Thái độ bao dung nhân ái của nhân vật Hồ Ngọc cũng chính là `thái độ của nhà văn Phạm Tín An Ninh về con người , về cuộc sống. Thật vậy. Nhà văn trải lòng mình rất rộng. Tình yêu thương anh dành cho quê hương, cho con người trên dải đất tang thương đó dàn trải mênh mang, sâu thẳm, thiết tha. Trong hầu hết các mẫu chuyện, khói lửa chiến tranh những ngày trước tháng 4 năm 75, và rồi thế giới đảo điên, đầy tăm tối và hận thù sau ngày tháng định mệnh đó chỉ là những dàn cảnh ở phía sau, và tình huynh đệ chi binh giữa những người chiến binh sống chết với nhau, hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội, đồng bào, những nghĩa tình, những nghĩa cử, những tấm lòng nghĩa hiệp giữa người và người khi sự ác bao trùm lên cuộc sống, đây mới chính là những điều nổi bật nhất gây xúc động và ấn tượng sâu xa trong lòng người đọc.
Trong những hòan cảnh não lòng tưởng chừng như vô vọng, ngòi bút và trái tim đầy thương cảm của Phạm Tín An Ninh thường chọn cho những nhân vật của mình những kết thúc tốt đẹp. Điển hình là truyện ngắn với tựa đề đã được chọn làm tựa đề cho tòan tuyển tập, đó là 'Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân’. Tác giả viết về cuộc đời lao đao của những người vợ lính, những người lỡ yêu những chàng trai khoác áo chiến binh, những cuộc tình thờì ly loạn ‘Anh vê` với em rồi mai lại đi’ ma` Trần Thiện Thanh, người nhạc sĩ của lính đã đưa vào bất tử. Tác giả viết vê` Pleiku, thành phố lính, nơi ma` ‘Những người vợ lính sống ở đây dường như chỉ để chơ` chồng trở vê` sau những cuộc hành quân, hoặc để chăm sóc chồng những ngày nằm trong quân y viện…Trong số ấy đã có biết bao nhiêu người trở thành goá phụ!’ Người vợ lính trong câu chuyện này mất chồng lạc con trong cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên vào tháng 3/75. Chị vượt biên sau ngày mất nước. Hai mươi năm sau tư` đất nước Na-Uy xa xăm, chị trở vê` vu`ng núi đồi cao nguyên để tìm xác chồng, người lính Biệt Động anh dũng năm nào, va` cũng để tìm tông tích đứa con trai đầu lòng. Mặc cho khoảng cách thờì gian và không gian sau hai mươi năm đã có quá nhiều thay đổi, thế ma` do một sự dun rủi tình cơ`, chị đã gặp lại con trai mình va` đã thắp được nén hương cho trọn nghĩa tình trước mộ chồng.
Những dun rủi, những tình cơ`, những trùng hợp ngẫu nhiên cho phép những kẻ phải xa nhau trong hòan cảnh oan trái được gặp lại nhau để giải bầy tâm sự, để những người còn sống được bày tỏ tình nghĩa của họ đối với những người đã phải ra đi một cách oan khuất, để những hiểu lầm được giải toả, những lầm lỗi được tha thứ, để tình yêu va` tình thương có dịp hàn gắn lại những đau thương quá lớn – đây la` những diễn biến thường xảy ra trong các câu chuyện của nha` văn Phạm Tín An Ninh.
Theo tác giả, một số tình huống này la` tình huống có thật. Nhưng có lẽ nha` văn cũng muốn mượn các sáng tác của anh để bày tỏ nỗi khát khao của chính mình va` đồng đội anh trong đời sống thật, những người chiến binh anh dũng thuở nào giơ` đây đầu đã hai thứ tóc nhưng trong lòng vẫn còn những vết thương chưa liền da.
Anh đã viết ‘Tuổi sắp gia`, ma` tôi còn mang nhiều món nợ, biết làm sao trả cho xong. Nợ núi sông, nợ máu xương be` bạn. Ma` khổ thay, tôi cứ mãi la` thằng lính hèn mọn, bạc tình.’ Tâm sự của anh la` tâm sự của một người có lương tâm va` tinh thần trách nhiệm cao, đã hy sinh va` cống hiến rất nhiều cho quê hương đất nước, la` một trong những người đã gánh chịu nhiều nhất va` thiệt thòi nhiều nhất sau ngày mất nước, nhưng vẫn cảm thấy sự hy sinh của mình la` chưa đủ.
Phú Hội, Ninh Hoa`, Nha Trang, Pleiku… Quê hương thơ mộng hiền hoa` của anh thưở nào, những địa danh ma` anh va` đơn vị của anh đã đi qua, những chiến địa nơi anh va` đồng đội của anh đã hiên ngang chiến đấu, tất cả đều được anh mô tả lại một cách linh hoạt va` sống động. Cho du` đã ổn định đời sống nơi xứ người nhưng trong tâm tưởng của các nhân vật trong tác phẩm vẫn la` một niềm hòai niệm xót xa vê` tất cả những gi` tòan thể nhân dân miền Nam đã bị cướp đi tư` khi đất nước rơi vào tay cộng sản: một quê hương tươi đẹp, một xã hội tự do nhân bản đầy tình người.
Đã gần 40 năm qua kể tư` 30 tháng 4/ 75. Đó la` ngày tăm tối nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng đó cũng la` ngày thế giới bắt đầu được khai sáng vê` hiểm hoạ cộng sản. Hàng triệu người Việt Nam liều chết vượt biển ra đi tìm tự do đã la` một bản cáo trạng hùng hồn vê` một chế độ phi nhân.
Tư` ngày ấy đến ngày hôm nay, ý thức hệ CS đã bị đào thải. Những hiểu biết sai lầm vê` chiến tranh VN đã được giải toả. Thế giới tự do hiện nay đều đồng thanh lên án chế độ độc tài tại Việt Nam. Chính nghĩa đấu tranh để bảo vệ miền Nam tự do của quân lực VNCH đã được sáng tỏ, va` danh dự của những chiến sĩ của quân lực VNCH đã được phục hồi.
‘Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân’ đã ra đời trong bối cảnh ấy, đã vẽ lại cho độc giả trong va` ngòai nước chân dung thật của người lính VNCH ma` tuyên truyền cộng sản đã tìm cách xuyên tạc va` bóp méo. Đó la` hình ảnh của những chiến sĩ kiên cường, những con người có trái tim, tâm hồn va` nhân cách.
Chúng ta đọc ‘Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân’ để thấy thương cho đời lính gian nan, để nghiêng mình tri ân va` ghi nhớ rằng trong suốt hai mươi năm tư` 1954 đến 1975, tuy rằng đất nước ở trong hòan cảnh chiến tranh, nhưng người dân miền Nam Việt Nam đã được sống trong tự do va` no ấm, đó la` nhơ` sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hoa`.
Trong lịch sử của quê hương Việt Nam tự do, trong trái tim của những người Việt Nam yêu chuộng tự do va` dân chủ, các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hoa` la` những anh hùng.
Quỳnh Đào
Tháng 9/2012
Melbourne, Victoria
Australia
Nhận xét về:
Truyện thời chiến của Phạm Tín An Ninh
Trọng Đạt
Về tác giả Phạm Tín An Ninh tôi chỉ được biết ông là nhà văn quân đội, cựu tù nhân chính trị, thuyền nhân hiện định cư tại Na Uy.
Tôi có được đọc một vài truyện ngắn và tùy bút của Phạm Tín An Ninh đăng trên các diễn đàn và báo Việt ngữ hải ngoại. Rừng khóc Giữa Mùa Xuân có lẽ là tác phẩm mới viết, tôi được đọc trong dịp Tết trên tờ báo xuân tại Texas.
Phạm Tín An Ninh viết truyện này theo lời kể của một nhân chứng, một người vợ lính về cuộc di tản kinh hoàng trên đường số 7 từ Pleiku xuống Tuy Hoà giữa tháng 3-1975 trong kế hoạch triệt thoái Cao Nguyên, con đường này đã được ký giả chiến trường Phạm Huấn mệnh danh là một “hành lang máu”. Phạm Tín An Ninh bằng lời văn chân thực, cảm động đã làm sống lại một thời chinh chiến đã qua, những ngày tàn của cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối với những hình ảnh đau thương gian khổ của quân dân ta, những người lính chiến can đảm, lưng cõng con, tay cầm súng chiến đấu chống quân thù, tìm sự sống trong cái chết cùng nhiều giai thoại thương tâm đầy nước mắt..
“Nhân vật chính xuất thân một cô gái xinh đẹp đất thần kinh, gia đình rời về Nha Trang, lấy chồng lính chiến năm 1968, nhà chồng khá giả, mấy năm sau sinh đứa con trai đầu lòng tại Pleiku, đặt tên Cao Nguyên, hai năm sau đó lại sinh con gái đặt tên Thùy Dương để nhớ Nha Trang nơi hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp
Giữa tháng 3-1975, Pleiku, Kontum được lệnh di tản giữa mùa xuân, chị và chồng bồng bế con cái theo đoàn xe về Tuy Hoà qua đường tỉnh lộ 7, tới hậu Bổn bị Việt Cộng pháo kích bao vây rất ngặt, máy bay ta lại ném bom nhầm khiến nhiều người chết oan. Di chuyển tới Phú Túc bị địch tấn công dữ dội, đoàn xe bất động, mọi người bỏ xe đi bộ về Củng Sơn, người chồng lấy võng làm gùi cõng con trai 4 tuổi sau lưng, vợ bồng con gái, Việt cộng pháo kích dữ dội, mạnh ai nấy chạy. Lệnh thượng cấp từ trên trời ban xuống “ đạp lên mà đi”.
Người chồng lưng cõng con, tay cầm súng điều động binh sĩ chiến đấu, Việt Cộng tấn công, Biệt động quân xung phong sát Cộng…khi ấy chị vợ lạc chồng và Lê cao Nguyên trên lưng anh nhằm ngày 19-3-1975. Những người lính biệt động quân chiến đấu tới cùng rồi tự sát chết với địch. Sau đó đoàn người gồm lính và gia đình binh sĩ bị Việt Cộng bắt hết, chị ta cùng con gái Thùy Dương về được Nha Trang khi đã bị địch chiếm đóng.
Hơn một tuần sau chị nhờ cậu em chở xe Honda lên đường số 7, vào hỏi thăm các trại tù tìm chồng con nhưng biệt vô âm tín, chị gặp anh đại đội phó được biết chồng chị bị thương nhưng cố lết đưa Lê Cao Nguyên đến nơi có dân cư. Chị bèn thuê năm người Thượng đi tìm chồng tại nơi hai người còn gặp nhau lần cuối nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi gì, chỉ thấy toàn những cảnh tượng hoang tàn ngổn ngang xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người vương vãi đó đây, những nấm mộ bị lấp vội bên đường , cả một vùng xông mùi tử khí….
Hàng năm tới ngày 19-3 chị cùng con gái Thuỳ Dương trở lại Phú Bổn tìm đến chân đồi nơi hai người còn gặp nhau lần cuối để thắp hương tưởng niệm chồng con đã mất tại nơi đây, mười năm sau, tháng 5-1985 chị vượt biên được tầu Na Uy vớt vào định cư tại xứ sở vùng Bắc cực này.
Hai mươi năm sau Thùy Dương lấy chồng, chị đưa con về Nha Trang thăm gia đình, rồi thuê xe trở lai Cao Nguyên vào giữ mùa xuân đến nơi trước đây chị còn gặp chồng và Lê cao Nguyên lần chót, lần này có bà giúp việc hồi xưa cùng đi theo. Nơi đây không còn dấu tích gì của chiến tranh . Chị thuê nhà trọ cho cả nhà, hôm sau ra chợ mua gà để làm thịt cúng chồng con. Chị gặp một anh bán gà người Thượng tên Tlang, anh ta nói tiếng Việt không rành có vết sẹo trên cánh tay y như con trai Lê Cao Nguyên ngày xưa bị thương nhẹ trong một trận pháo kích, chị ngạc nhiên hơn khi thấy trên hai vành tai của anh ta cũng có hai lỗ tai nhỏ như Lê Cao Nguyên bèn gọi bà người làm lại hỏi, bà này bảo chắc là hắn.
Bà chủ nhà tử tế đã nhờ người công an khu vực làm thông ngôn và đưa tới tận nhà cha mẹ anh Tlang, sau một thời gian vặn hỏi bà chủ cho biết hồi tháng 3-1975, tai nơi đây diễn ra trận chiến ác liệt , một ông lính rằn ri bị thương lưng cõng đứa trẻ cố lết vào dưới nhà sàn rồi chết, vợ chồng bà đã chôn ông lính dưới một gốc cây gần đây rồi nuôi dưỡng đưa trẻ lên bốn tuổi nay là Tlang… Đứa trẻ ấy chính là Cao Nguyên nay đã một vợ hai con .
Sau mấy chục năm xa cách chị đã tìm lại được đứa con nhưng trớ trêu thay, nó đã trở thành người Thượng, là người của núi rừng với cái tên định mệnh Cao Nguyên mà vợ chồng chị đã đạt cho nó hồi mới sinh , Tlang từ chối trở về đồng bằng vì đã là người của núi rừng, chị làm cho con một căn nhà sàn và từ bỏ ý định cải táng chồng về Nha Trang vì muốn ông ở lại với đứa con trai ..”
Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân chỉ là một truyện ngắn do người nhân chứng, nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn nhẫn kể lại bằng một ít trang giấy đơn sơ chân thực nhưng cũng quá đủ để diễn tả lại trang sử đầy máu và nước mắt của một thời chinh chiến đã qua.
Người thiếu phụ trở lại cao nguyên khi về thăm quê hương , chiến tranh đã chấm dứt từ mấy chục năm qua, con đường số 7 cùng với cuộc di tản đẫm máu kinh hoàng ngày nào nay đã được tái thiết, tráng nhựa đổi tên thành Quốc Lộ 25. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng vết thương vẫn còn để lại với những mối dây oan nghiệt không cùng, di sản mà cuộc chiến để lại như không bao giờ dứt. Chị đã tìm được đứa con trai thất lạc trong cơn khói lửa nhưng nó đã trở thành người của núi rừng, chẳng khác nào có cũng như không, còn cũng như mất.
Hình ảnh người đàn bà đã bao lần vạn lý tầm phu trong cơn tuyệt vọng khiến chúng ta thấy như sống lại cả một thời nho phong xa xưa với những người vợ thủ tiết thờ chồng, thủy chung như nhất. Mấy chục năm trôi qua, người vợ đã thể hiện được lòng chung thuỷ đời đời của tình nghĩa vợ chồng theo đúng luân lý cổ truyền của người phụ nữ Việt nam khiến cho ta thấy như sống lại cả một nền văn minh tinh thần cao đẹp xa xưa mà nay chỉ còn lại cái tiếng vang.
Sau khi chiến tranh chấm dứt , chị nói.
“ Ngày 19-3 là ngày giỗ của hai cha con.
Hàng năm, cứ đến ngày này, tôi và Thùy Dương đều trở lại Phú Bổn , tìm đến chân đồi , dưới gốc cây nằm giữa đỉnh đồi, mà đêm cuối cùng chồng tôi ôm tôi vào lòng, thấp hương tưởng niệm anh và cháu Cao Nguyên. Tôi đã dùng dao khắc đậm tên anh và cháu Cao Nguyên vào thân cây. Lần nào khi nước mắt ràn rụa, trong tiếng gió rừng, tôi mơ hồ như có tiếng khóc từ gốc cây này, rồi văng vẳng bao nhiêu tiếng khóc từ những thân cây khác, từ những khúc gỗ nằm vương vãi do bom đạn hôm nào, tạo thành những âm thanh não nùng xé ruột”
Rồi mấy chục năm sau khi chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt, không còn thấy vết tích gì của một thời chinh chiến đã qua nhưng tiếng khóc than não nùng của rừng cây chẳng khác nào hồn tử sĩ trước những đợt gió ù ù thổi, những tiếng khóc than ai oán của ngàn, vạn sinh linh đã bỏ thây trên con đường tỉnh lộ đẫm máu mấy chục năm về trước .
“Tôi nghĩ tình mẫu tử thật thiêng liêng nhưng có lẽ ông Trời đã phạt tôi. Tôi sinh ra Cao Nguyên nhưng không bảo vệ được con mình, để mất nó trong núi rừng này từ ngày nó lên bốn tuổi.
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm mầu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường , trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa, mà tất cả đều mang hình dáng của những bộ xương người nối tiếp nhau trùng điệp. Tai tôi nghe trăm ngàn tiếng khóc quyện vào trong gió. Không biết đó là tiếng khóc của người hay tiếng khóc của cây.”
Trọng Đạt
LÁ THƯ ÚC CHÂU
NXVan
Trong khoảng thời gian 6 năm trở lại đây, tại hải ngoại, chúng ta thấy có sự xuất hiện của một nhà văn gốc lính là anh Phạm Tín An Ninh (PTAN) mà một số tác phẩm của anh hầu hết được các báo chí Việt ngữ khắp nơi đăng tải vì có liên quan đến thời chinh chiến trước 75 với tình chiến hữu, tình đồng đội, tình đồng bào ruột thịt, nói chung là Tình Người đã nằm bàng bạc hầu hết trong các câu chuyện rất bi tráng của anh ở cả hai miền Nam Bắc kể cả những mảnh đời tan vỡ sau 75.
Lần trước, anh đến Úc châu với hành trang là tập truyện ở Cuối Hai Con Đường, Ls NV Thuần là Trưởng ban Tổ chức các buổi Ra Mắt Sách tại Úc châu. Lần này cũng vậy, nhưng vì lý do phải điều trị mổ mắt ở Na uy, anh đã không thể đến Úc được nên Ls Thuần đã tiếp tục gánh vác vì nghĩa cả. Nhờ sự hổ trợ tích cực của Cộng đồng NV tại Úc cũng như quý đồng hương khắp nơi, Ls Thuần đã hăng hái tổ chức các buổi ra mắt sách rất thành công tại 4 thành phố lớn ở Úc là Sydney, Brisbane, Adelaide và Melbourne.
Chúng ta đã từng say mê đọc các truyện của anh PTAN. Cái đẹp của các tác phẩm của anh không chỉ thể hiện cái tình người qua những giòng chữ, những trang sách, mà cao quý hơn nữa, anh đã đến Úc châu mang theo cả trái tim nhân hậu. Điều này ít nhà văn nào làm được. Lần trước, anh đã tặng hiến tất cả số tiền thu được trong các buổi RMS tại Úc ước lượng có trên $30 ngàn Đô Úc (AUD) đến quý TPB/VNCH hiện còn đang sống lấy lất ở quê nhà. Anh PTAN là người đã sinh ra đứa con tinh thần là tập truyện, Ls Thuần lại là người thực hiện hoài bão của anh PTAN tại Úc châu. Trong chuyến đi lần trước, anh PTAN đã tự bỏ tiền túi cho tất cả các chuyến bay đến Úc cũng như di chuyển trong nội địa cho cả anh lẫn chị và cháu gái mà không nhận lại một đồng nào! Lần này cũng thế, chỉ có điều khác biệt là không có tác giả PTAN. Nhưng với nhu cầu đặc biệt của Cộng đồng NV ở Úc, Anh PTAN cũng như Ls Thuần đã hoan hỉ Ra mắt sách nơi đây là để tiếp tục góp phần nhỏ vào việc giúp đỡ các TPB/VNCH ở quê nhà, phần khác gây quỹ Xây Dựng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại thành phố Brisbane mà Cộng đồng hằng đeo đuổi bấy lâu nay.
Nhà văn PTAN (người chưa bao giờ chịu nhận mình là nhà văn) sinh năm Quí Mùi (1943). Quê quán Làng Phú Hội, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa. Mẹ anh mất lúc anh mới lên 3 tuổi. Cha bị chết trong tù cải tạo tháng 6/1976. Lúc nhỏ học ở trường Văn Hóa rồi được tuyển sang Trường Võ Tánh, Nha Trang. Đi lính Khóa 18 SQTB Thủ Đức. Mười năm phục vụ tại SĐ 23 BB (chuyên về tác chiến và tham mưu). Bị tù cải tạo 8 năm. Vượt biên năm 1985 và định cư tại vương Quốc Na uy cùng gia đình. Làm việc tại Ngân hàng Bưu Điện Na uy và về hưu đầu năm 2008.
Trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (RKGMX) lần này, anh PTAN có nhắc đến những khung trời, những địa danh, những con người mà người viết khá quen thuộc một phần trong đó. Điều đó cũng dễ hiểu vì ở quê nhà, người viết ở rất gần nhà anh, hai anh em ở cách nhau chỉ chừng 3 cây số. Chúng tôi không muốn, và cũng không thể đi sâu vào các tình tiết éo le của các câu chuyện kể vì trang báo có hạn. Điều này xin dành cho sự tò mò, ngưỡng mộ và khám phá của quý độc giả. Tuy nhiên người viết xin đóng góp vài ý nghĩ trong vài câu chuyện sau đây:
* Chuyện Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà mở đầu cho tác phẩm RKGMX mà trong truyện anh diễn tả ngọn núi Phổ Đà soải cánh như cánh chim Đại bàng thì đó là một ý tưởng tượng rất chính xác mà thời thơ ấu người viết cũng cảm thấy như thế. Tại sao vậy? Là vì nhà người viết nằm sát ở dưới chân của ngọn núi này! Chỉ cần một chiếc xe đạp từ trên núi xổ xuống hết dốc là sẽ dừng lại ở trước cổng nhà. Cũng ở ngọn núi này mà người bạn của anh PTAN có lần tương tư người yêu đã thốt lên câu: "Mai này có chết, moa sẽ trở thành một đám mây, không bay đi đâu hết, mà bám chặt lấy ngọn núi Phổ Đà này", rồi anh đọc hai câu thơ tình đẫm lệ: "Ta sẽ làm mây trên đỉnh núi, Nghìn năm ôm lấy cuộc tình em". Hai câu thơ này chẳng khác nào hai câu thơ để đời ở Quân trường Đồng Đế Nha Trang: "Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Em nằm xỏa tóc đợi chờ anh".
* Rồi đến truyện Tiếng Sáo viết về anh chàng có tên là Hồ Ngọc Phú Hội. Đó cũng là tên của quê quán anh PTAN. Hai người coi như ở chung một thôn. Và chuyện tình của anh Phú Hội có thể nói là một chuyện tình đẫm lệ điển hình cho trăm ngàn chuyện tình tuyệt đẹp và thương tâm nhất của các cặp vợ chồng son hay tình nhân trai tài gái sắc ở miền Nam sau 1975. Anh Phú Hội ngày xưa được một ông Thầy người Huế tặng cho anh một chiếc sáo trúc và dặn một câu để đời "một cậu học trò có năng khiếu, sẽ tạo cho chiếc sáo này có một linh hồn". Thế mà trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của những đổ vỡ và tan nát từ gia đình, anh vẫn còn giữ được chiếc sáo trúc ấy cho đến ngày hôm nay và dĩ nhiên là anh đã tạo cho nó có một linh hồn.
Cách đây hơn một năm, người viết có dịp gặp anh Phú Hội tại Cali, và gặp cả người tình hiện nay của anh là một nhà thơ nhưng anh vẫn coi như là một người bạn, vì chuyện tình xưa không thể nào thay thế được. Anh PTAN và anh Phú Hội là hai người bạn rất thân và rất hiểu nhau, hiểu đến nỗi anh PTAN có lần nói với bạn bè khi nghe những điều không hay về anh Hội, anh Ninh bảo "Nếu có một người không bao giờ đi tu mà thành Phật, thì đó chính là thằng Hội". Đây là một câu chuyện tuyệt vời rất đáng đọc.
* Chuyện Lá Rụng Không Về Cội diễn tả một người con dân Quận Vạn Ninh. Sau những ngày dài vào quân ngũ với chức vụ Tiểu đoàn Trưởng, ông được chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm về lại quê nhà của mình để giữ chức vụ Quận Trưởng chăm sóc dân tình. Quả thật đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn vì làm sao tránh được những lời ve tiếng ong của những người xấu miệng. Sau đó ông trở lại quân ngũ và có thời làm huấn luyện viên cho các quân trường lớn như Võ Bị Liên Quân Đà lạt, Võ Khoa Thủ Đức v.v... Có lần được Tướng Ngô Q Trưởng bổ nhiệm làm Tư lệnh phó cho một Sư đoàn Thiện chiến vào bậc nhất của miền Nam VN.
Sau này như một phép mầu, ông đã được bốc đi vào giờ thứ 25 của cuộc chiến. Sang Hoa kỳ, ông hiện ở miền Bắc Cali, có lần nhờ bà con về lại quê nhà mang qua giùm cho ông hai kỷ vật được coi là gia bảo: Đó là chiếc nón lá, và một bao Nilong chỉ toàn là cát. Chiếc nón lá được ông đóng đinh treo ngay trong phòng khách, còn bao cát thì ông bỏ một nửa vào chiếc lư hương để cúng kính trên bàn thờ Tổ tiên, nửa còn lại thì ông cất kỹ ở dưới đầu giường và trong di chúc có ghi xin vợ con ông rắc năm cát này trên di thể của ông trước khi đậy nắp quan tài. Người đó chính là Đại Tá Trương Tấn Thục mà khi còn nhỏ người viết đã có dịp thấy ông.
* Chuyện Những Cánh Én Giữa Mùa Đông nói về các chàng không quân đa tình trên tình trường, nhưng lại hết sức hào hùng, can đảm trên chiến trận. Bất chợt người viết bắt gặp được một người bạn học cùng lớp ngày xưa, cũng Trường Võ Tánh Nha Trang là phi công Vĩnh Hiếu, Lead gun của phi đoàn Thần Tượng 215 - một phi công trực thăng gan dạ hào hùng trên Chiến trường vùng 2 năm nào đã vào sinh ra tử nhiều lần cứu được các cánh quân bạn đang bị địch bao vây. Ngày xưa khi còn đi học thì Vĩnh Hiếu đã có đai đen Thái cực Đạo. Đến ngày tan hàng anh đã bay ra hạm đội và thoát chết trong đường tơ kẻ tóc khi chiếc trực thăng anh lái đáp xuống một chiến hạm ngoài khơi đúng lúc máy bay của anh vừa hết xăng! Anh hiện sống tại Hoa kỳ và vẫn đầy nét hào hùng, hào hoa như thuở xưa.
* Cuối cùng, câu chuyện Bến Bờ Lưu Lạc nói về một gia đình rất thương đau của một người phụ nữ VN rất đặc biệt - Đó là chị Phạm Phan Lang, sinh năm 1950, vị Nữ Trung Tá gốc Việt đầu tiên trong Quân Lực Hoa kỳ. Chị là người không xa lạ mấy vì ngày xưa trước 75, chị là đồng môn của chúng tôi dưới mái trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang (NTH69). Đã vậy, ba má chị lại là đồng hương xứ Vạn với chúng tôi. Chị có khuôn mặt khá xinh, tính tình hiền thục dễ thương nên khi còn nhỏ đã làm rúng động trái tim của một sĩ quan Hải Quân QLVNCH thời ấy là anh Phạm Văn Diên (Khóa 14 HQ Đệ nhị Kim Ngưu).
Vào nửa đêm 29-04-75, Thiếu Tá Diên đã đưa chiến hạm PGM615 của anh rời khỏi VN mang theo vợ (là chị Lang) với 3 đứa con thơ ra đi. Cũng như nhiều gia đình khác, thời gian đầu tiên đến đất Mỹ đời sống rất vất vả. Vợ chồng chị Lang đã phải trãi qua rất nhiều nghề như thợ mộc, thợ nề, rửa bát đĩa cho nhà hàng, tiệm ăn, nhổ cỏ trong các cánh đồng cà, hái trái cây, trông nom trại gà v.v... Với tính kiên nhẫn, vợ chồng vừa làm vừa theo học chương trình Đại học ở Maryland, Eastern Shore. Năm 1980, chị Lang đậu cùng lúc hai bằng Cử nhân trong đó có bằng Nutrition và Dietetics (Dinh Dưỡng học). Chị đã xin thực tập ở một số trường đại học trong đó có Chương trình Thực tập Dinh dưỡng của Lục quân Hoa kỳ (US Army Dietetic Internship). Nhờ cơ duyên này, chị đã nộp đơn xin gia nhập vào quân đội Hoa Kỳ và tiến thân nơi đây. Sau khi tốt nghiệp, chị đã được thăng dần lên cấp bậc Trung úy và nhiệm sở đầu tiên là tại Fort Jackson, Columbia, SC. Và cũng tại nơi đây, một biến cố lớn đã xảy ra mang đến điều bất hạnh lớn lao nhất cho cuộc đời của chị.
Vào ngày Lễ Độc Lập Hoa kỳ, ngày 4/07/1985, lúc đó chị đã được vinh thăng Đại úy, nể lòng một người bạn, cựu Trung Tá HQ ở Charleston, SC, hai vợ chồng đã nhận lời mời tham dự một buổi tiệc picnic ở bãi biển Foley Beach, SC và tại nơi đây, tai nạn đã xảy ra. Vào khoảng 8 giờ sáng, lũ nhỏ con của bạn bè cùng con của anh chị Diên & Lang ham mê nhảy xuống biển tắm đã bị cơn sóng ngầm cuốn trôi xa. Anh Diên tức tốc nhảy xuống biển tìm cách cứu vớt tất cả các em nhỏ nhưng vì lũ nhỏ sợ hãi bám víu vào người anh không cựa quậy được đến nỗi anh bị uống nước bất tỉnh nhân sự. Hôm ấy một bé gái 11 tuổi cũng đã bị sóng biển đánh dạt ra xa mãi mấy tiếng đồng hồ sau mới tìm thấy xác.
Sau một tháng chống chọi với tử thần, cuối cùng anh Diên đã ra đi và chị Lang đã một mình phải nuôi 3 đứa con nhỏ khôn lớn là cả một gánh nặng không thể tưởng tượng nổi trong khi chị còn phải phục vụ trong quân đội. Chức vụ cuối cùng của chị là Trung Tá. Năm 2002, lúc chị đang làm việc tại Hawaii thi nhận được thông báo sẽ thăng cấp Đại tá nếu chị bằng lòng ở trong quân đội và được thuyên chuyển đến một nhiệm sở mới, rất nhiều triển vọng là Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên vì yêu biển cả và chẳng muốn xa rời thành phố biển Hawaii, chị đã không nhận chức vụ Đại tá mà xin ở lại Hawaii với nắng ấm tình nồng, chẳng khác nào vùng thùy dương cát trắng Nha thành dấu yêu của chị ngày xưa. Đây quả là một trang tình sử đẫm lệ và là một cuộc phấn đấu khốc liệt của đời tỵ nạn của một trang nữ kiệt mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Nhà văn Tâm Thanh, một người bạn văn của tác giả PTAN cùng ngụ tại Vương quốc Na-uy đã có những nhận xét về tác phẩm RKGMX như sau:
"Đối với người lính chiến miền Nam Việt Nam, chỉ cần nhắc tên một ngọn núi, như Núi Tà Dôm hay Chu Pao, một con đường, như Quốc Lộ 14, Tỉnh Lộ 7B; một đồ vật như đôi giầy “xô”, cái nón sắt… là có thể tâm hồn òa vỡ. Vết thương lính có thể lành nhưng ký ức không bao giờ phai nhạt. Nó bừng lên nếu có ai bật nút. PTAN là một trong số người bật nút tài tình vào bậc nhất hiện nay. Có nhiều người không còn thích nghe nói về chiến tranh hay xem chiến tranh trên màn ảnh truyền hình nhưng tại sao người ta vẫn thích các câu chuyện kể của anh PTAN? Câu trả lời đơn giản là vì PTAN không kể chuyện chiến tranh (thản hoặc chỉ lấy chiến tranh làm bối cảnh). Anh kể chuyện lính, tức là kể về những con người, trong đó “đánh đấm” chỉ là một khía cạnh. Và không phải người lính đơn độc, mà người lính gắn liền với người dân, với một mối tình. Người lính không chỉ có kiêu hùng mà còn lãng mạn, nhân bản, vị tha. Hình ảnh người lính của PTAN không phải đẹp với bộ quân phục mà đẹp trong suy nghĩ, trong tâm hồn. Độc giả sẽ thấy những nét đặc thù đó nổi bật hơn nữa trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.
Hai anh lính trẻ nhận được hai tấm khăn thêu và hai lá thư "sao y chánh bản" tới tận trường tìm cô em gái hậu phương, để sau đó một người thành người tình bạc mệnh, một người thành nhà sư canh mộ cho bạn mình (Gói quà đầu năm).
Anh lính Biệt Động Quân gùi đứa con trai bốn tuổi sau lưng, mở đường máu cho đồng đội, để cuối cùng bỏ xác, bỏ con trên rừng thẳm (Rừng khóc giữa mùa xuân). Cô gái cán bộ lâm trường người Hà Giang yêu anh lính tù cải tạo, giúp anh bản đồ, địa bàn và lương khô để vượt ngục; cuộc đào thoát thất bại, cô tưởng anh đã chết, sáu năm mới đi lấy chồng, nhưng anh vẫn còn sống và trở thành một vị thầy tu...(Nghỉ hè ở Mallorca).
Sau cuộc chiến, dù là người bại trận, họ vẫn luôn dang hai tay ôm lấy cái tình huynh đệ, cố giữ hào khí, tư cách của ngày xưa (Những cánh đại bàng sau cơn bão lửa). Nhiều năm khốn khổ trong lao tù, trở về với một gia đình tan nát, người lính vẫn chịu đưng bao dung, bao nhiêu nỗi oan khiên gởi theo hồn tiếng sáo (Tiếng Sáo). Về già, ngồi “điểm danh”, nhớ thương từng đồng đội cũ, tiếc nuối bao kinh nghiệm chiến trường giờ không biết còn truyền lại cho ai (Lá rụng không về cội)…
Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong phim về chiến tranh Nam-Bắc Mỹ hoặc Chiến tranh và Hòa bình tại Nga. Nhưng đó là những hình ảnh con người trong chiến tranh Việt Nam. PTAN thu được những hình ảnh đó nhờ anh là lính chiến; anh kể lại chi tiết từng địa danh, năm tháng, không hẳn vì nhờ có trí nhớ tuyệt vời, mà chính vì anh không thể nào quên. Nhưng yếu tố quan trọng không kém khiến cho truyện PTAN có giá trị đặc biệt, là anh có một triết lý riêng để lý giải tất cả mọi việc trên đời - thái độ trước định mệnh.
Cuộc đời trong thế giới PTAN đầy oan trái, và đầy tính định mệnh. Nhưng các nhân vật không thúc thủ trước định mệnh. PTAN tin ”xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Truyện PTAN thường cực kỳ éo le, chằng chịt khúc mắc, dàn dựng khác với phép dựng kịch của truyện ngắn cổ điển. Các truyện trong Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, vì thế, phần nhiều là bi kịch, nhưng luôn luôn có hậu, khuynh hướng mà đa số độc giả trông đợi. Nhờ thế, đọc truyện Phạm Tín An Ninh, dù chảy nước mắt nhưng ai cũng phải hài lòng (Tâm Thanh).
Anh PTAN chẳng những là một nhà văn bất đắc dĩ, mà còn là một nhà thơ bất đắc dĩ nữa. Ta hãy nghe lại một đoạn thơ của anh khi anh về tìm lại mộ cha để cải táng. Khi trở về lại ngôi làng xưa, nhìn cảnh "thương hải biến vi tang điền" anh viết trong bài thơ Ta Về Chỉ Gặp Lại Mình Ta:
"Tôi về đứng trước ngôi trường cũ
Nhìn xuống làng xưa chạnh nỗi niềm
Nhấp nhô những mái nhà rêu phủ
Thương hải tang điền mấy biến thiên
Nhìn xuống làng xưa chạnh nỗi niềm
Nhấp nhô những mái nhà rêu phủ
Thương hải tang điền mấy biến thiên
Tôi về xuôi một giòng sông chảy
Con nước vô tình lặng lẽ trôi
Hiểu nghĩa cuộc đời đành không thể
Hai lần tắm ở một dòng thôi
Con nước vô tình lặng lẽ trôi
Hiểu nghĩa cuộc đời đành không thể
Hai lần tắm ở một dòng thôi
Tôi về có phải sông về biển
Sao nghe từng con sóng não nề
Như thể bây giờ là cổ tích
Tôi về chỉ gặp lại mình tôi".
Sao nghe từng con sóng não nề
Như thể bây giờ là cổ tích
Tôi về chỉ gặp lại mình tôi".
(Pham Tín An Ninh)
Xin được dùng những lời thơ não nùng này để kết thúc câu chuyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân của tác giả Phạm Tín An Ninh.
NXVan
(Úc châu Tháng 10/2012)
(Úc châu Tháng 10/2012)
Rừng khóc giữa mùa xuân
Thân chào nhà văn Phạm tín An Ninh, sau khi đọc qua, quyển truyện ngắc Rừng khóc giữa mùa xuân, những câu truyện, anh viết thật hay, đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, và tôi đã ghi lại qua bài thơ cùng tựa đề với tác phẩm mà anh viết. Xin gửi tặng anh. Qua lâm ngọc Chiêu, người bạn thân của tôi, thì tôi được biết anh cũng đã trải qua thời gian bị giam cầm tại trại 6 huyện Thanh Chương, Nghệ Tĩnh. Có nghĩa chúng ta cùng ở tù chung với nhau một trại. Trong tập truyện anh có nhắc một đoạn thật ngắn về nhà thơ Tô Thùy Yên, tôi và Tô thùy Yên ở chung một đội. Và hơn nữa trong những câu truyện ngắn mà anh đã viết, thỉnh thoảng tôi thấy có bóng giáng người lính Thiếu Sinh Quân, tôi cũng là một cựu TSQ. Chiêu biết nhiều về tôi.
Thân chúc anh một tuần lễ thật vui.
Thân chúc anh một tuần lễ thật vui.
Lê Tuấn
Rừng khóc giữa mùa xuân.
(Viết tặng nhà văn Phạm tín Anh Ninh,
Qua tập truyện Rừng khóc giữa mùa xuân)
Rừng đã khóc giữa mùa xuân năm đó
Cánh mai vàng nằm khuất giữa hoang sơ.
Đỉnh núi Phổ Đà, mờ xa xương khói
Bóng người xưa thoáng hiện một giấc mơ.
Ta trở về khi rừng chiều khuất bóng
Tâm vô thường, lững thững bóng ai đi
Chinh chiến xưa hằn sâu bao dấu tích
Lệ đã khô, dòng cạn ráo trên mi.
Rừng đã khóc với mây ngàn gió núi
Cho đất trời dựng đứng vách ưu tư.
Ta về đây giữa hoang tàn phế tích
Cõi vô thường mờ dấu vết chân xưa.
CTSQ. Lê Tuấn
Đỗ Trường với Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân của Phạm Tín An Ninh
Thursday, May 12, 2011 3:56:29 PM
Xin mời quí bạn đọc một bài cảm nhận của Đỗ Trường về tác phẩm Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân do tác giả xuất bản mùa xuân năm 2011. Được biết Đỗ Trường là một nhà phê bình văn học trẻ . Anh hiện định cư tại Đức Quốc
Quan Dương với nhà văn Phạm Tín An Ninh (hình chụp tháng 9/2009 tại Nam CaLi, USA)
RỪNG XUÂN BAO GIỜ THÔI KHÓC
Đỗ Trường
Đầu năm 2011 này, nhà văn Phạm Tín An Ninh từ Nauy sang Mỹ để phát hành tập truyện ký mới, mang tên –RỪNG KHÓC GIỮA MÙA XUÂN. Gần bẩy mươi rồi, trải qua bao năm tháng tù đầy, ấy vậy nhìn nhà văn còn nhanh nhẹn và tráng kiện lắm. Chả trách, sau khi đọc truyện của anh, có người bảo tôi: Có nhà văn trẻ, mới nổi tên Phạm Tín An Ninh viết hay ra phết. Tôi cười: Trẻ cái nỗi gì nữa, chỉ có ông già viết văn trẻ thôi.
Anh quả thật là chu đáo, sau khi phát hành, anh ký, gửi tặng sách tất cả bạn bè. Tôi là đàn em thứ bao nhiêu của anh, thế mà anh nhớ, viết rất trịnh trọng, gửi tặng bằng đường bưu điện. Cầm tập truyện trên tay cảm động, cảm tưởng như đang cầm cuốn sách nóng hổi của chính mình vừa in vậy. Bìa và sách trình bày trang nhã, đơn giản dung dị như chính con người anh.
Anh bảo tôi, em đừng gọi anh là nhà văn. Anh chỉ đơn thuần là một người lính ghi lại những gì anh và đồng đội đã đi qua, để cùng nhau cảm thông, xẻ chia vơi lấp những khoảng trống trên đất khách quê người mà thôi. Tôi cự lại anh: Anh viết thể loại gì, nhiều hay ít không quan trọng, nhiều người viết và in cả đời nhưng không bao giờ trở thành nhà văn. Nhưng có những người chỉ cần viết một truyện ngắn, hay một bài thơ đã thành thi sĩ.
Thật vậy truyện ký của Phạm Tín An Ninh viết đơn giản, theo lối kể chuyện mộc mạc, không có gì mới nhưng vẫn hấp dẫn, không nhàm chán. Như một lần nhà thơ Trần Trung Đạo, đã viết cho tôi: Phạm Tín An Ninh chinh phục được độc giả như vậy, vì khi viết anh có cái tâm trong sáng.
Tôi cho rằng ý kiến của nhà thơ Trần Trung Đạo rất xác đáng.
Truyện ngắn Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, được Phạm Tín An Ninh viết trau chuốt, có nhiều tình huống éo le, và mẫu thuẫn nội tâm nhân vật nhất, tác giả để rất nhiều cảm xúc riêng chi phối, khi giải quyết những mâu thuẫn nội tâm đó. Hay tác giả đẩy bi kịch lên cao độ, khi người con trai bao năm lưu lạc một mực muốn ở lại cao nguyên với người Thượng, không chịu theo mẹ về Nha Trang, hay sang Nauy đoàn tụ. Thật ra còn nhiều cách kết thúc câu chuyện theo lẽ thông thường khác. Có lẽ do yêu, và nhiều cảm xúc với câu chuyện này nhất, nên tác giả đã lấy tên, đặt tựa đề cho cả tập truyện ngắn thứ hai của mình, bao gồm hai mươi truyện ngắn và truyện ký.
Nhưng khi đọc kỹ lại toàn bộ tập truyện, tôi thấy truyện ngắn Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, không phải là tiểu biểu, linh hồn cho tập truyện. Hồn vía của cả tập truyện này lại nằm trong truyện ký đơn giản, mộc mạc, tác giả “ít đầu tư thời gian“ nhất, “Chuyện người lính trinh sát“.
Đọc truyện ký - Chuyện người lính trinh sát- tôi cứ bị ám ảnh bởi câu kết “ Trong cuộc chiến này, quả thật, có những điều mà người ta không thể nào hiểu được“. Dường như đó là câu hỏi cho cả tập truyện này. Ai hiểu tâm được tâm trạng của một người vợ có chồng theo cộng sản, bị lính Việt Nam Cộng Hòa bắn chết và có một người con trai duy nhất đi lính VNCH lại bị bộ đội giết?. Sự đau đớn không thể làm một phép tính so sánh, nhưng sự dằng xé, đau đớn, âm thầm của bà nhân lên gấp bội vì không có người xẻ chia, cảm thông. Có lẽ tác giả đã nhìn thấy bà là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến hai mươi năm, anh em tương tàn. Nhưng rất tiếc tác giả chưa khai thác hết mâu thuẫn nội tâm của người vợ, người mẹ đau khổ này. Nếu như tác giả khoét sâu vào khía cạnh này, tôi cho rằng truyện hay lên gấp nhiều lần, và câu chuyên không dừng lại chỉ một người lính trinh sát can trường. Có thể tác giả phải đặt lại tên “Chuyện về Mẹ“ thay cho truyện “Chuyện người lính trinh sát“ không chừng.
Cuộc chiến hai mươi năm được đặt lên đôi vai gầy của mẹ. Có cái đau nào bằng nỗi đau nhìn chồng chết mà không dám nhận, không dám khóc, không dám vấn khăn tang?. Và có những nỗi đau chồng lên nỗi đau, khi bà mẹ nhìn con trẻ chết tan xác vì hỏa tiễn đồng đội của chồng, mà nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai?.
Đọc xong truyện – Chuyện người lính trinh sát- tôi cứ phân vân tự hỏi, nếu có ghi tên bà vào trang sử của cuộc chiến, bà thuộc về những người lính chiến VNCH, hay là của những anh Bộ đội?
Có phải đó là nỗi đau chung, nỗi đau khó xóa nhòa?.
Cả tập truyện còn nhiều truyện hay và cảm động như Nghỉ hè ở Mallorca, nói mối tình éo le của cô cán bộ lâm nghiệp với người sĩ quan VNCH đang bị tù đầy. Hay truyện Cô Gái Quá Giang Đêm Mùng Một Tết, khắc sâu về thân phận con người trong chiến tranh, bi lụy dai dẳng đến mấy chục năm sau, kết thúc bằng cái chết của cô sinh viên đại học. Những truyện hoài tưởng quê hương về tuổi thơ cứ man mác hiện về, với những đoạn văn thật rung động, tả về đồng quê, như truyện: Những đám mây trên đỉnh núi Phổ Đà và Tiếng Sáo. Hồn nhiên nhí nhảnh, nhưng sâu sắc để lại cho người đọc nhiều đều suy ngẫm trên quê hương xứ người với ký, Đứa cháu nội.
Có lẽ thời gian đẹp, nhiều kỷ niệm nhất của anh là lúc mặc áo lính, nên truyện của anh chủ yếu viết về lính, viết về chiến tranh. Nhưng có điều đặc biệt trên trang sách của anh, tôi ngửi thấy mùi khét của bom, nghe thấy tiếng súng, nhưng tôi không thấy có địch, có ta, không có hận thù và những cảnh khát máu giết người, mà chỉ thấy ngun ngút tình người trong đó.
Gấp tập sách lại, tôi cứ miên man suy nghĩ: Có thật trong cuộc chiến này có những điều khó hiểu đến vậy? Nếu bạn nào không tin, hãy đọc thử tập truyện ngắn RỪNG KHÓC GIỮA MÙA XUÂN, của Phạm Tín An Ninh xem có cảm giác như tôi không?
12-5-2011
Giới thiệu Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh
Tâm Thanh
Mar 11th, 2011
http://nguoivietboston.com/?p=34753
Đối với người lính chiến Miền Nam Việt Nam, chỉ cần nhắc tên một ngọn núi, như Núi Tà Dôm hay Chu Pao, một con đường, như Quốc Lộ 14, Tỉnh Lộ 7 B; một đồ vật như đôi giầy “xô”, cái nón sắt… là có thể tâm hồn òa vỡ. Vết thương lính có thể lành nhưng ký ức không bao giờ phai nhạt. Nó bừng lên nếu có ai bật nút. Phạm Tín An Ninh là một trong số người bật nút tài tình vào bậc nhất hiện nay.
Năm ngàn (5. 000) cuốn Ở Cuối Hai Con Đường được bán sạch trong vòng một năm chứng tỏ sau 35 năm kết thúc cuộc chiến, truyện lính vẫn hấp dẫn, không riêng đối với lính mà với mọi người ít nhiều có liên hệ tới cuộc chiến. Nếu đặt Ở Cuối Hai Con Đường trong hoàn cảnh thị trường sách và tình hình đọc ở hải ngoại ngày nay, thì tập truyện này là một hiện tượng. Tôi là người ngán đến mang tai truyện chiến tranh (dù hay như Platoon hay buồn nôn như Deer hunter, thấy trên TV là tôi bật đài khác liền, bởi vì trong những phim ấy tôi chỉ thấy Mỹ và Việt Cộng, không có “Ta” trong đó, “Ta” đã bị loại ra khỏi vòng chiến ngay từ đầu; (nếu có “Ta” là đi đôi với những tướng tá lệ thuộc, ươn hèn).
Nhưng tôi thích truyện PTAN. Bạn bè tôi cũng thích và chúng tôi hỏi nhau tại sao chán phim chiến tranh mà độc giả – cả lính lẫn dân – lại thích truyện PTAN? Câu trả lời đơn giản là vì PTAN không kể chuyện chiến tranh (thản hoặc chỉ lấy chiến tranh làm bối cảnh). Anh kể chuyện lính, tức là kể về những con người, trong đó “đánh đấm” chỉ là một khía cạnh. Và không phải người lính đơn độc, mà người lính gắn liền với người dân, với một mối tình. Người lính không chỉ có kiêu hùng mà còn lãng mạn, nhân bản, vị tha. Hình ảnh người lính của PTAN không phải đẹp với bộ quân phục mà đẹp trong suy nghĩ, trong tâm hồn.
Độc giả sẽ thấy những nét đặc thù đó nổi bật hơn nữa trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.
Hai anh lính trẻ nhận được hai tấm khăn thêu và hai lá thư ‘sao y chánh bản’ tới tận trường tìm cô em gái hậu phương, để sau đó một người thành người tình bạc mệnh, một người thành nhà sư canh mộ cho bạn mình (Gói quà đầu năm). Anh lính Biệt Động Quân gùi đứa con trai bốn tuổi trên lưng, mở đường máu cho đồng đội, để cuối cùng bỏ xác, bỏ con trên rừng thẳm (Rừng khóc giữa mùa xuân). Cô gái cán bộ lâm trường người Hà Giang yêu anh lính tù cải tạo, giúp anh bản đồ, địa bàn và lương khô để vượt ngục; cuộc đào thoát thất bại, cô tưởng anh đã chết, sáu năm mới đi lấy chồng, nhưng anh vẫn còn sống và trở thành một vị thầy tu.. (Nghỉ hè ở Mallorca). Những anh lính trẻ hành quân tại Ngân Sơn không bao lâu, ngày lên đường, trên đoàn xe GMC của tiểu đoàn, thấp thoáng những cô dâu mới trong bộ đồ lính trận (Người lính trinh sát). Sau cuộc chiến, dù là người bại trận, họ vẫn luôn dang hai tay ôm lấy cái tình huynh đệ, cố giữ hào khí, tư cách của ngày xưa ( Những cánh đại bàng sau cơn bão lửa). Nhiều năm khốn khổ trong lao tù, trở về với một gia đình tan nát, người lính vẫn chịu đưng bao dung, bao nhiêu nỗi oan khiên gởi theo hồn tiếng sáo (Tiếng Sáo). Về già, ngồi “điểm danh”, nhớ thương từng đồng đội cũ, tiếc nuối bao kinh nghiệm chiến trường giờ không biết còn truyền lại cho ai ( Lá rụng không về cội)… Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong phim về chiến tranh Nam-Bắc Mỹ hoặc Chiến tranh và Hòa bình tại Nga. Nhưng đó là những hình ảnh con người trong chiến tranh Việt Nam. PTAN thu được những hình ảnh đó nhờ anh là lính chiến; anh kể lại chi tiết từng địa danh, năm tháng, không hẳn vì nhờ có trí nhớ tuyệt vời, mà chính vì anh không thể nào quên. Nhưng yếu tố quan trọng không kém khiến cho truyện PTAN có giá trị đặc biệt, là anh có một triết lý riêng để lý giải tất cả mọi việc trên đời – thái độ trước định mệnh.
Cuộc đời trong thế giới PTAN đầy oan trái, và đầy tính định mệnh. Nhưng các nhân vật không thúc thủ trước định mệnh. PTAN tin“xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Truyện PTAN thường cực kỳ éo le, chằng chịt khúc mắc, dàn dựng khác với phép dựng kịch (dramaturgy) của truyện ngắn cổ điển (vả lại, có bao nhiêu nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn theo sách vở?). PTAN dàn dựng truyện như thế này:
tình cờ – hạnh ngộ – chia ly – đi tìm – thấy – xử trí theo tình nghĩa.
Các truyện trong Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, vì thế, phần nhiều là bi kịch, nhưng luôn luôn có hậu, khuynh hướng mà đa số độc giả trông đợi. Nhờ thế, đọc truyện Phạm Tín An Ninh, dù chảy nước mắt nhưng ai cũng phải hài long.
Tâm Thanh
Phạm Tín An Ninh bài đọc
ĐỌC NHIỀU MỆT MẮT, MỜI NGHE CHO KHỎE.
No comments:
Post a Comment