Nguyễn Trãi - Anka Pham
Mới đây mà đã tròn đúng 27 năm kể từ ngày tôi và đại gia đình đặt chân xuống Phi Trường Houston vào một đêm tối 10 giờ rưỡi ngày 2 tháng 2 của năm 1990. Tất cả có 17 người được cậu em vợ bảo lãnh trong chuyến đi, nhưng vì trục trặc giấy tờ, người Mẹ của chúng tôi cùng với hai đứa cháu nội phải bị ở lại đúng một năm sau mới lên máy bay được, và gia đình ông anh thứ ba gồm hai vợ chồng và bốn đứa con cũng bị trễ mất 20 ngày sau mới được đi. Như thế trong chuyến đi đầu tiên chỉ có tám người, trong đó có hai vợ chồng tôi.
Chuyến bay khởi hành tại Phi Trường Tân Sơn Nhất và buổi sang gần trưa, trời Sài Gòn những ngày cuối đông áp Tết Âm Lịch cho nên tiết trời êm ả mát se lạnh cũng dễ dàng cho những người đưa tiễn. Mà cũng vì là những đợt xuất cảnh còn mới mẻ cho nên nhiều ngậm ngùi bịn rịn, cứ tưởng một đi không bao giờ trở lại, và cũng có những giọt nước mắt chi ly, trong tự đáy lòng của mỗi con người ở lại hay sắp bước lên máy bay đều chung một tâm trạng ”BUỒN CHẾT ĐƯỢC”.
Tôi cũng có nỗi buồn man mác trong giây phút này khi cảm nhận sắp sửa mất Quê Hương, nhưng rất rộn vui khi cảm thấy đã “thoát được cánh cổng tù tội“ rời khỏi xích xiềng CS, mặc dù tôi đã ra khỏi các Trại giam Tù Cải Tạo cũng trên bảy năm.
Nếu kể đến những ngày của sau 30 tháng tư 1975 đến khi bước lên máy bay thì cả một chuỗi dài đau khổ không ít. Chính xác là trước ngày mất nước đúng một tháng, trong khi đơn vị đang di chuyển vừa đi vừa đánh để tiến về phương Nam từ Bồng Sơn vào Quy Nhơn thì tôi bị bắn một quả đạn B 40, tôi bị sáu mảnh B 40 ghim vào người xem như không còn đi được nữa, nửa giờ sau trong lúc cả đơn vị đang chống trả quân thù thì tôi bị viên AK từ một lô cốt do tên VC bắn từ sau ót xuyên qua trước mặt. Tôi đã biết thế nào là cảm giác CHẾT ngay sau khi viên AK xuyên qua đầu và mặt. Tôi thực sự không biết gì hết và bị mù mắt bị bất tĩnh.
Thế mà tôi không chết, bỗng nhiên tôi nhìn thấy áng sáng và nghe được tiếng súng vẫn nỗ, để rồi phải nhận lệnh từ cấp Trung Đoàn tôi phải đốt Đại Bác để tự thoát thân. Đồng đội đã chở tôi đi bằng chiếc GMC một quãng đường, sau đó vất bỏ xe ở lại. Chính lúc này tôi thực sự cảm thấy đau nhói trong lòng khi mình bị bỏ lại chiến trường trong khi hằng hà sa số các chiến sĩ bộ binh đang băng qua trước mặt tôi. Đây là giờ phút tôi cảm thấy bơ vơ vô cùng vì thân của mọi người còn tự lo chưa xong thì ai đâu lo cho tôi.
Tôi nghĩ đến một lát nữa đây hay ít nhất sáng sớm mai tôi cũng chết vì máu ra nhiều quá hay bọn quân giặc cũng đến đây và … tôi không dám nghĩ tiếp chuyện gì sẽ xãy ra. Gia đình tôi không thể nào biết được tình cảnh của tôi đang lâm nguy như thế này, máu vẫn tiếp tục tràn chảy trên chín vết thương khắp cả thân thể cho nên tôi bị một thứ “quáng sắc bảy màu“ không thấy được gì nữa.
Bỗng có tiếng của một binh sĩ gọi tôi và họ cõng tôi đi. Đúng là cái số của tôi chưa chết nên đã khiến có đồng đội trông thấy, và chính tình thương của binh sĩ dành cho tôi trong suốt thời gian tôi chỉ huy được biểu tỏ trong giờ phút lâm nguy này. Ngưòi Hạ Sĩ nhất không quản ngại còn 35 cây số nữa để cõng tôi đi.
Tiếp nối từ cái may mắn này đưa đến may mắn khác, trong khi người hạ sĩ nhất cõng tôi đi trên đồng ruộng và rừng thưa gập ghềnh thì gặp được người sĩ quan phụ tá của tôi. Ông ta đã mau mắn đi tìm thêm đồng đội dưới quyền và phân công khiêng tôi bằng chiếc võng cho đến khi vào tận trong Phi Trường Phù Cát.
Trưóc khi đặt tôi lên chiếc võng, tôi đã bảo người sĩ quan phụ tá lấy cái ví đằng túi sau ra trong đó có hình và tiền, tôi nói “Tôi nghĩ rằng tôi không sống được và anh cố gắng mang cái này về trao lại cho vợ tôi và kể cho cô ta biết…“ Giây phút này tôi thực sự bị xúc động xem như một sự vĩnh biệt mọi người.
Người trung Uý Pháo Đội Phó nhìn thấy chiếc trực thăng đang đậu gần cái mả đá tổ ong bên cạnh cây to lớn, cánh quạt trực thăng đang quay tít mù chuẩn bị cất cánh. Ông ta vội vã chạy đến xin phi hành đoàn cho tôi được tản thương.
Oái ăm thay, khi tôi được đặt lên vai của những người lính bộ binh trên chiếc trực thăng, có tới 34 người lính trên ấy thì đã quá nặng rồi. Đang hy vọng được tản thương về Nha Trang để điều trị những vết thương thì chiếc trực thăng bị rớt xuống lại và chặt đứt đôi người trung uý và một trung sĩ đã khiêng tôi bỏ lên trực thăng khi họ chưa rời xa chổ ấy. Có đoạn trường nào hơn nữa hay không chớ? Tôi bị hất văng ra khỏi trực thăng chừng sáu thước khi trực thặng chạm đất, tôi bị bất tĩnh, khi mở mắt ra chỉ nhìn thấy hai đồng đội giúp tôi thì đã biến thành hai cái xác nằm bất động không có nửa thân mình phía trên, phải nhờ người lính tìm xem có tiền tôi đã trao lại lúc sang thì mới xác nhận đúng là Trung Uý Sinh, và người kia là Trung Sĩ Khôi.
Đúng 42 năm sau tình cờ gặp lại được một Sĩ Quan cũ của tôi, trung úy Phạm Văn Thức bên Mỹ, ngưòi này đã kể rất rõ về trường hợp chiếc trực thăng rớt xuống và chặt đứt đôi hai người lính mà không hề biết được đó là các đồng đội cùng chung đơn vị ngày xưa, trong đó có tôi. Sau khi trực thăng rớt xuống tất cã đều tá hoả tam tinh mạnh ai nấy thoát thân sợ trực thăng cháy.
Trung Uý Thức hồi mới ra trường là Sĩ Quan Tiền Sát Viên của đơn vị tôi, mùa hè đỏ lửa bị bắt làm tù binh, và được trao trả sau Hiệp Định Paris, sau đó thuyên chuyển về đơn vị Pháo Binh khác. Anh ta kể rằng:
- buổi chiều 31 tháng 3 năm 1975, đơn vị Pháo Binh của anh đóng trong Phi Trường Phù Cát phòng thủ Phi Trưòng, khi Phi Trường bỏ ngõ và sắp về tay giặc anh cùng một số quân nhân trực thuộc đang trên chiếc trực thăng ấy chuẩn bị cất cánh. Vì số người quá nhiều phải mấy chục người, hai người pilot nhận thấy không thể nào cất cánh nỗi đành rời trực thăng bỏ đi vì biết chắc có cất lên cũng sẽ rơi xuống.
Tất cả lính Bộ Binh và kể cả Trung úy Thức cùng lính Pháo Binh cũng bắt buộc xuống trực thăng, nhưng không đi đâu hết, tất cả đều ngồi bên cái mả đá vôi chờ vì hy vọng hai người pilot sẽ trở lại.
Chờ mãi không thấy, may mắn thay có một anh chàng hạ sĩ quan không quân thuộc loại “không phi hành“ chắc là kỹ thuật viên hay xạ thủ đại liên không chừng nhảy lên trực thăng và đòi cất cánh. Trung uý Thức hỏi có lái được không? anh ta bảo: không chắc nhưng biết nổ máy và hy vọng bay được. Thế là tất cả bộ binh, Pháo Binh lại leo lên trực thăng, phần tôi là người sau cùng được người Trung úy Sinh Pháo Đội Phó chạy đến xin được cho đi.
Hai người khiêng tôi lên trực thăng, tôi nằm trên đầu trên vai của những người lính Bộ Binh và Pháo Binh trong đó có Trung Uý Thức của tôi ngày trước. Hai người khiêng đã dang ra xa chiếc trực thăng chừng vài mét. Nó cất cánh chắc cũng chừng 10 mét cao và nghe một cái “RẮC“ rồi rớt xuống đất. Chính cái cánh quạt đã cắt đứt rất ngọt hai thản xác của đồng đội của tôi.
Sau 42 năm bây giờ tôi mới biết một sự thật về chiếc trực thăng rớt một cách chính xác. Đúng là cái số của tôi chưa chết vì nó rớt ngay sau khi vừa cất lên cho nên mọi người còn nguyên vẹn ngoại trừ hai người khiêng tôi. Chứ nó bay được một lúc và dộ cao khá lớn mà rớt thì xem như tất cả thành tan nát.
Tôi còn sống sau khi tỉnh lại mà như đã chết nát cõi lòng khi nhìn thấy hai cái xác không toàn thây của đồng đội tôi. Chưa hết đâu, những người pháo thủ còn lại xung quanh tôi vẫn còn đứng đó và muốn khiêng tôi đi tiếp vào bên trong phi trường, gian truân lắm khi phải lòn cái thây của tôi qua những lỗ hàng rào kẽm gai thẳng đứng chia từng khu trong Phi Tường Phù Cát.
Cuối cùng tôi được đặt xuống nền xi măng của một vòm sửa chữa máy bay, và tôi bảo các đồng đội còn lại hãy tự tìm đường thoát thân. Tôi nằm lại trong đêm 31 tháng ba 1975 và vì máu ra nhiều đã kiệt sức rồi thiếp đi.
Một con đường cũng khá dài và gian truân để cho thân tôi về đến Quê Huong tôi, nơi chôn nhau cắt rún, mà ở đó cũng đang náo loạn chạy giặc sau 14 ngày vào tay quân giặc. Nha Trang mất vào ngày 2 tháng tư. Như vậy là đúng ngày 9 năm ba tháng 16 ngày trong quân ngũ, cái thân tàn tạ không lành lặn vì những vết thương bê bết máu đã được trả lại cho gia đình cha mẹ tôi đang không biết gì hết về tôi.
Nghìệm ra, phải công nhận rằng tôi có cái số chưa chết và dù không đi đứng được cũng có người giúp đỡ đưa về tận quê nhà. Khi tôi được đặt trên chiếc giường tại nhà thì mới chính thức biết mình còn sống mà tưởng như một giấc mơ không bao giờ có thật. Cha Mẹ anh chị em bà con xóm làng thay phiên nhau an ủi chia sẻ niềm bất hạnh bằng những giọt nước mắt ngắn nước mắt dài.
Rồi cũng cái duyên đưa đẫy, tôi tìm cách bỏ quê hương Nha Trang để nương tựa vào Sài Gòn nhà của vợ với hy vọng “nơi Quốc Tế“ không bị đấu tố như tại quê mình. Vết thương viên AK từ sau ót bắn xuyên ra phía trước hàm làm cho cái hàm dưới không há miệng ra được nữa. Chuyện giải phẫu thì lắm nhiêu khê vì thân phận mình là “sĩ quan Nguỵ Quân“ không ai đếm xĩa tới. Trời cũng nuôi tôi và nó tự lành nhưng cái miệng thì há không được ra mấy. Phải mang theo mười hộp sữa để uống trong 10 ngày “tập trung học tập cải tạo“ và mấy miếng gỗ hình tam giác do Ba tôi tạo để mỗi ngày nong vào miệng cho nó há ra lớn hơn.
Định uống hết 10 hộp sữa thì cũng vừa đủ 10 ngày mãn hạn “tập trung trả nợ quỷ thần“ ai ngờ kéo lê cái thân tàn đến hơn bảy năm ra tận đất Bắc. Chưa hết xui xẽo, dù cánh tay bị mảnh đạn B 40 vẫn hành hạ làm mất cảm giác không cầm được vật nặng, tôi vẫn phải đi lao động chặt cây lá cột nhà trên núi cao. Khi đang vác cây xuống núi bị vấp ngã và lăn nhào từ trên lưng chừng núi xuống chân núi.
Tôi bị chấn thương thần kinh toạ cốt và liệt chân phải phải chống nạng gỗ do bạn tù làm trong năm năm sau cùng.
Ngày thả tù, gia đình không hề biết, và tôi lại được có cái số may mắn được có người luôn giúp đỡ đã hướng dẫn, cho tiền xe để về đến nhà vợ.
Hình ảnh rất độc đáo và đậm nét trong đời tôi lúc này là tay cầm cây nạng gỗ chống từng bước đi. Tôi chống nạng tìm về nhà của vợ bây giờ đã đổi khác khó nhận ra, tay còn lại cầm bó hoa mua tại chợ Bà Chiểu muốn làm ra vẻ lãng mạn tặng cho vợ đã đợi chờ gần tám năm. Còn nữa, vai tôi mang cây đàn thùng guitar tự đóng trong trại tù Hoàng Liên Sơn. Hình ảnh này y chang một người ăn xin hát dạo kiếm sống qua ngày.
”Ôi ngày trở về bước lê thê,
Vụn vỡ sầu buồn uất nghẹn ghê,
Đâu ngỡ đời mình sao nghiệt ngã,
Ai gây cảnh huống thật ê chề…“
Cảnh xum họp vui mừng với những giọt lệ dài lệ ngắn của người than nhất là người vợ đã chờ đợi tám năm mới có một lần lên xe hoa, sau đó đợi chờ gần tám năm nữa không biết ngày nào chồng trở về trong khi đi tù. Tại sao lại có những khoảng thời gian tê tái giống nhau, tôi tin rằng vợ chồng lấy nhau đều do duyên nợ, và cuộc sống thăng trầm sống hay chết cũng đều do có số.
Sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ để chui vào cái nhà tù lớn là cái xã hội bát nháo nhiễu nhương sau năm 1975. mọi người ngơ ngác phờ phạc và tâm trạng sợ sệt vẫn đeo đuổi rình mò, sợ một chính quyền một luật pháp xử dụng luật rừng, và có thể bắt nhốt trở lại bất cứ lúc nào, tôi cũng vẫn phải bương chãi mưu sinh kiếm sống.
Tôi xử dụng sự yêu thích sẵn có về khả năng hiểu biết chụp ảnh và đồng thời học thêm nơi ông Thầy cùng trong quận là Thầy Nhiếp ảnh Gia Phạm Văn Mùi dạy về Chụp ảnh Nghệ Thuật. Tôi đã bon chen vào trong hội Nhiếp ảnh Quận Phú Nhuận. Tám năm cầm máy chụp hình đám cưới đám tang sinh nhật cho cả thành phố Sài Gòn, nhưng trung Tâm Thông Tin Văn Hoá Quận Phú Nhuận không bao giờ biết được một hội viên Nhiếp ảnh và là Hội Trưỡng lại là một ”Sĩ Quan Cải tạo”. Thời điểm ấy họ ngăn cấm các “Sĩ Quan Cải Tạo” làm nghề hớt tóc, vá xe đạp và chụp hình, vì rỉ tai tuyên truyền bêu xấu chế độ.
Khi được giấy xuất cảnh đi Mỹ tôi phải bàn giao nhiệm vụ Hội Trưởng Nhiếp ảnh của Quận thì họ mới biết được tôi đã man khai lý lịch, nhưng muộn rồi. Bước lên máy bay giã từ cái chế độ lừa lọc xảo trá bất nhân và từ giã hồi hộp âu lo từng ngày khi phải hít thở cái không khí dương dương tự đắc của kẻ thắng cuộc.
Nguyễn Trãi
No comments:
Post a Comment