Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do
ĐỖ NHƯ QUYÊN
ĐỖ NHƯ QUYÊN
«Bài viết này để tưởng nhớ hàng triệu đồng bào đã chết vì Cộng Sản, cũng để ghi nhớ và tỏ lòng tri ân với những người đã mang tâm sức cuả mình, giúp đỡ người dân Việt Nam trốn khỏi CS, trong cuộc di cư 1954 – 1955 từ Bắc vào Nam Việt Nam»
BĐQ Đỗ Như Quyên
Nguyên Nhân Có Cuộc Di Cư 1954.
Suốt 60 năm qua, hầu như ai trong chúng ta cũng tin rằng: .. "Sở dĩ có cuộc di cư năm 1954 là vì đất nước bị chia hai bởi Hiệp Định Đình Chiến Geneva, một cách gián tiếp hơn, vì Pháp "thua" cộng sản Việt Minh tại chiến trường Điện Biên Phủ, sau đó họ bỏ cuộc, bỏ luôn sự thống trị bằng cái ách thực dân gần một trăm năm ở một nơi luôn chống lại họ". Đại khái là như vậy, chúng ta ai cũng nghĩ như thế.
Thật ra điều đó chỉ đúng một phần nhỏ. Phần lớn sự thật là do chính phủ Mỹ, họ muốn Pháp phải tránh ra. Họ cần có một vùng địa lý như Việt Nam chia làm hai phần họ mới có thể đặt chân đến một nửa cuả vùng lãnh thổ này. Họ đã từng muốn và được làm thêm nhiều chuyện tiếp sau đó, tới năm 1975 thì họ chẳng muốn nữa.
Không phải đợi đến ngày 21/ 7/ 1954 vấn đề di chuyển người di cư mới được nói tới trong bản hiệp định, phiá Mỹ đã tính tới chuyện này từ lâu, trước khi có trận Điện Biên Phủ, trước lúc có hội họp tại Geneva Thụy Sĩ thì Mỹ đã sắp đặt nước cờ cuả họ rồi.
Trong một cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ở thủ đô Liên Bang Mỹ cuối tháng 1/ 1954, có sự hiện diện cuả Tổng Thống Dwight D. Eisenhower; Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân Đô Đốc Arthur W. Radford, vấn đề di tản người miền Bắc vào miền Nam - Việt Nam đã được vị đô đốc nêu trên nói tới. Đô Đốc Arthur W. Radford là người mà từ thời còn là Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương trước đó vài năm, đã từng bàn chuyện di tản người Việt miền Bắc vô Nam với Đại Tướng Jean J. M. G. de Lattre de Tassigny, Tư Lịnh Lực Lượng Viễn Chinh kiêm Cao Ủy Toàn Quyền cuả "Tây" ở vùng Đông Dương thuộc Pháp (sẽ được ghi tắt là vùng Đông Pháp, nơi có ba nước Cam Bốt; Lào; Việt Nam bị Pháp chiếm, không phải toàn Đông Dương nơi có tới 6 nước (Miến Điện; Thái Lan; Mã Lai Á) như nhiều người Mỹ cũng như Việt đã ghi lầm, xin đọc thêm nơi bài Đông Dương và Đông Pháp cuả Đỗ Tấn Thọ trên trang nhà BĐQ). Sau khi nghe ông đô đốc Mỹ nói về chuyện di tản người Việt từ Bắc vô Nam, ông tướng Pháp trả lời tóm tắt rằng: .. "cho dù trước khi một hoạt động (di tản) nào được hoàn tất, đoàn người cuối cùng chờ di tản sẽ bị (Việt Minh) tàn sát"... Tuy vậy, sau cuộc gặp gỡ cuả hai vị tướng nêu trên, phía Mỹ vẫn phác họa một kế hoạch di tản người ờ miền Bắc Việt Nam (tới đầu năm 1952 mới soạn xong). Trong phần phân tích và ước tính chung cuả bản kế hoạch cho thấy: cuộc di tản sẽ là một chiến dịch quy mô về Thuỷ - Bộ để chuyển vận hơn 80.000 lính Pháp; 40.000 lính quân đội quốc gia và 10.000 người dân. Ngày 7/ 5/ 1954, khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ nhưng quân đội Pháp vẫn bảo vệ vững vàng vùng châu thổ sông Hồng, kế hoạch nói trên trở thành cuộc thảo luận sôi nổi ngay tại buổi họp giữa bộ Tham Mưu Liên Quân và Bộ Quốc Phòng (họp trong ngày 7/ 5).
Trong tháng 2/ 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại tiếp một đại diện cao cấp cuả Tổng Thống Dwight D. Eisenhower tại Pháp. Trong buổi tìếp kiến này, quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam đã nói như sau: "nếu chuyển được 4 triệu người dân đến các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên (Nam) Trung Phần, lực lượng quân sự sẽ được nhẹ tay hơn để đối phó với cộng sản ở miền Bắc" ... Quốc Trưởng Bảo Đại sau đó còn bàn chuyện này với Đại Sứ Mỹ Donald Heath, nhưng phiá Mỹ vẫn im lặng.
Ngày 28/ 6/ 1954, sau hai ngày về đến Sài Gòn, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tiếp ông Robert McClintock, Xử Lý Thường Vụ Toà Đại Sứ Mỹ, (ông Donald Heath đang về Mỹ), vị thủ tướng Việt Nam cũng đem chuyện này ra thảo luận và còn tin rằng: ... "việc di tản người là cần thiết, dân chúng sẽ thoát được các hiểm họa từ cộng sản"..., nhưng phiá Mỹ vẫn giữ im lặng.
Ngày 28/ 7/ 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam chính thức yêu cầu Mỹ giúp cho 2.000 căn lều vải dành cho người tỵ nạn, Mỹ vẫn làm thinh (tới ngày 5/ 8/ 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức nhân danh cá nhân gởi thơ yêu cầu Mỹ giúp chuyển vận người di cư, lúc này Mỹ mới hành động).
Cuối tháng 6/ 1954, ( chưa tới ngày 21/ 7 bà con ạ), các hồ sơ về vấn đề di tản người tỵ nạn cộng sản ở Việt Nam được thẩm định lại bởi Cục Tình Báo Trung Ương - CIA. Nơi này "xét" xong còn thêm vô: .. "chưa tính phương tiện đưa người ra đi, chỉ riêng phần quân cụ cuả Pháp và Việt Nam ở Hà Nội phải cần tới 600 chuyến bay mới chở hết. Nhân viên quân sự Việt - Pháp phải vào Nam có khoảng 83.000 đến 150.000 người với 65 tiểu đoàn dã chiến, 19 tiểu đoàn khinh chiến. Có thể cộng sản Việt Minh sẽ thả khoảng 9.600 tù binh". Bên hải quân cũng phỏng đoán sẽ chuyển hơn 110.000 thường dân, 83.000 quân nhân, 10.000 xe cơ giới các loại và khoảng 382 súng pháo binh lớn, nhỏ.
Nhưng chúng tôi sẽ không ghi thêm nữa, vì đây là một bản văn tìm lại các dữ kiện lịch sử trong biến cố "Di Cư 1954 - 1955". Sâu xa hơn, chúng tôi muốn tưỏng nhớ và ghi nhận công ơn cuả tất cả những ân nhân, không phân biệt quốc tịch đã từng có lòng nhân, mở rộng vòng tay giúp nhiều đồng bào Việt Nam chúng tôi thoát khỏi sự khống chế toàn diện một dân tộc bởi cộng sản. Nhờ đó, những người vượt thoát đã cùng đồng bào miền Nam tiếp tục chiến đấu với cộng sản thêm 20 năm, kịp tạo nên một thế hệ kế thưà hiểu rõ hơn về cộng sản kể từ sau năm 1975.
Qua hai biến cố bi thảm nêu trên trong lịch sử cận đại cuả giống nòi Việt Nam, tổ quốc chúng tôi dù bị cộng sản cướp đoạt nhưng những thế hệ kế tục sẽ không mất niềm tin là cộng sản ở Việt Nam sẽ không vĩnh viễn tồn tại, cũng như các đế quốc Hy Lạp; La Mã; Hán; Tống; Nguyên; Minh; Thanh v.v đã từng tan rã. Vì vậy chúng tôi vẫn còn chiến đấu và trận Điện Biên Phủ đã nói lên điều đó, tuy máu xương cuả những chiến sĩ nằm xuống nơi đây đã từng bị cộng sản lợi dụng như một vũ khí chính trị để chia phần với kẻ gian vẫn còn đang giấu mặt.
***0***
(Kỳ 1 )
(Kỳ 1 )
«Năm Đánh Một Không Chột Cũng Què».
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 55 ngày đêm bị bao vây, bị đủ thứ đạn pháo vùi dập, rồi liên tiếp bị VC dùng chiến thuật biển người, cuối cùng căn cứ Điện Biên Phủ cuả quân đội Pháp phải chịu thất thủ. Lính Pháp tuy chịu thua nhưng họ không treo cờ trắng đầu hàng. Những kẻ chỉ huy trực tiếp trận đánh này không phải là cán bộ cộng sản gốc Việt, mà là các tướng cuả Trung Cộng như:
Vi Quốc Thanh, Trần Canh, Mai Gia Sinh, Mã Tây Phu, Đặng Nhất Phấn... do Lã Quý Ba -Đặc Sứ cuả Mao Trạch Đông cạnh đảng CSVN, Trưởng Đoàn Cố Vấn «Chí Nguyện Quân» kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Điện Biên Phủ- làm trưởng đoàn
Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 «Chí Nguyện Quân» khác cuả Trung Cộng trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào trận đánh này. Họ giữ các vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn cuả Cộng Sản Việt Nam, trong lãnh vực chuyên môn như pháo binh, truyền tin, quân y hoặc là tài xế. Họ có mặt trong các đoàn xe vận tải từ biên giới chở đạn dược, thực phẩm tới thẳng chiến trường Điện Biên Phủ.
Nói tóm lại, cái gọi là «chiến thắng» Điện Biên Phủ thật ra chỉ là lối đánh giặc «lấy thịt đè người», mà cán bộ của Trung Cộng và Việt Cộng dùng xác người Việt Nam đè bẹp người Pháp một cách không thương xót. Còn các người như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, v.v là những con cờ bung xung nhận lệnh và chạy vòng ngoài. Họ chỉ có bổn phận đôn đốc tinh thần binh sĩ ở các đơn vị người Việt mà thôi!
Nước Việt Chia Hai - Tây Đi Về Pháp
Một ngày sau biến cố Điện Biên Phủ, một hội nghị quốc tế về vùng Đông Dương thuộc Pháp, nơi có ba nước Việt -Cambodge -Lào, được tổ chức ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Phái đoàn đại diện các nước đến tham dự có:
- (1) Quốc Gia Việt Nam, do Tổng Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Quốc Định dẫn đầu (sau dó là ông Nguyễn Trung Vinh. Tới ngày 7/7/1954, ông Trần Văn Đỗ thay làm trưởng đoàn).
- (2) Ngoài phái đoàn của CSBV còn có đại diện của 7 nước, như sau: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Lào, Cam Bốt, Nga Sô, Trung Cộng.
Hai đại diện Anh và Nga làm đồng chủ tịch hội nghị.
(Hội Nghị Quốc Tế về vấn đề Đại Hàn và vùng Đông Pháp thật ra đã mở màn ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 26/4/1954 với đại diện năm nước tham dự: Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Cộng. Chương trình nghị sự là một ngày luận về Đại Hàn, một ngày bàn về vùng Đông Pháp. Nhưng vì vấn đề Đại Hàn dù sao cũng có «lệnh ngưng bắn» (cho tới lúc đó vẫn còn) đã tạm giải quyết, người ta mới đem vấn đề Đông Pháp ra thảo luận thường xuyên hơn. Lúc đó hội nghị mới quyết định mời thêm đại diện cuả Quốc Gia và Cộng Sản Việt Nam, đại diện Lào và Cam Bốt cùng tham dự chính thức. Hội Nghị Quốc Tế về Đông Pháp bắt đầu từ ngày 8/5 nhưng tới ngày 20/ 6/1954 thì bị đình trệ. Ngày 10/7 mới họp lại và kết thúc lúc 1 giờ sáng ngày 21/7/1954).
Sau hơn hai tháng họp hành, vài lần tưởng như bế tắc vì sự đòi hỏi, lấn lướt quá đáng cuả Nga Sô, Cộng Sản Bắc Việt, Trung Cộng, cuối cùng thì bản “Hiệp Định Đình Chiến» ở Đông Pháp cũng vẫn bị ký dù đại diện Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ phản đối. Tổng Trưỏng Ngoại Giao Trần Văn Đỗ tuyên bố chính phủ ông không đồng ý trước những áp đặt cuả các cường quốc trong hội nghị. Người dân Việt Nam sẽ không chấp nhận chuyện đất nước bị cắt chia.)
Trong bản «Hiệp Định Đình Chiến» có những quy định, như sau:
- 1. Việt Nam bị chia làm hai phần lãnh thổ tại vĩ tuyến 17. Hướng Nam thuộc Quốc Gia Việt Nam, phiá Bắc vỹ tuyến là cuả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Việt Cộng).
Sông Bến Hải (nơi có vị trí gần nhất từ vỹ tuyến 17) tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới giữa hai miền. Kể từ ngày 14/8/1954, các hoạt động quân sự dọc theo con sông này, tính từ cửa sông lên tới làng B›ohosu ở biên giới Việt – Lào, đều bị cấm. Khu “phi quân sự” là khu vực từ Bắc xuống Nam cách sông Bến Hải 5 km về mỗi bên. Quốc Lộ 1 Nam - Bắc đến ngay giữa cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải sẽ được sơn một vạch trắng nằm ngang cầu (1*).
- 2. Thời gian ngưng bắn toàn miền Bắc là 8 giờ sáng ngày 27/7/1954, miền Trung 8 giờ sáng 1/8/1954, và miền Nam lúc 8 giờ sáng ngày 11/8/1954.
- 3. Dân chúng có 300 ngày được «tự do di chuyển», được quyền chọn lựa nơi cư trú mà không bị cấm cản, hạn chót là ngày 18/5/1955.
- 4. Những đơn vị quân sự, hành chánh cuả các bên có từ 80 đến 300 ngày phải triệt thoái và tập trung ở từng địa điểm đã được thoả thuận.
- 5. Riêng khu vực Hà Nội và vùng phụ cận chỉ có 80 ngày được «tự do di chuyển». Thời hạn chót ở Hà Nội là ngày 9/10/1954; Hải Dương 100 ngày; Đồng Tháp Mười 100 ngày; Cà Mau 200 ngày; Hải Phòng và miền Trung 300 ngày.
- 6. Một Ủy Ban Quốc Tế về Giám Sát và Kiểm Soát (ICSC) đình chỉ chiến sự ở Đông Pháp được thành lập với 3 ủy viên là Ấn Độ, Ba Lan, và Canada (năm 1973, Ấn Độ tuyên bố bản «Hiệp Định Đình Chiến» Geneva 1954 chỉ là mớ giấy lộn nên họ rút ra khỏi ủy ban ICSC, vì thế Nam Dương được đưa vô thay thế).
- Ngày 5/8/1954, phiá Pháp bắt đầu tổ chức đưa người vào Nam bằng đường hàng không ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, bằng đường biển tại Hải Phòng, Uông Bí v.v. Số người được đưa đi vào lúc này phần đông là những nhân viên hành chánh người Việt, người Pháp và thân nhân cuả họ, hoặc những gia đình giàu có ở Hà Nội.
- (Tới ngày 20/9. phiá Pháp đã huy động hầu hết máy bay vận tải quân sự mà họ có ở Đông Pháp. Đồng thời, họ cũng trưng dụng các máy bay hàng không dân sự vào việc chuyển người. Tuy nhiên, dù cố hết sức mình, phiá Pháp vẫn không đủ khả năng đáp ứng vai trò chuyển vận vì số người muốn vào miền Nam mỗi lúc thêm đông, vì thế Pháp phải nhờ phiá Mỹ giúp sức)
Con Thuyền Quốc Gia Giữa Cơn Bão Và Người Thuyền Trưởng Xuất Chúng.
Trong khi hội nghị Geneva đang diễn ra, ngày 18/6/1954 ông Bảo Đại, Quốc Trưởng, chỉ định ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, thế ông Nguyễn Phúc Bửu Lộc (Sắc Lệnh 038/SL/QT). Ông Ngô Đình Diệm về đến Sài Gòn ngày 26/6. Chỉ năm ngày sau khi về đến Saigon ngày 26/6, ông Diệm ra Hà Nội vì muốn đích thân quan sát và tìm hiểu tình hình thực tế ở miền Bắc, nhất là vấn đề người di cư. Ông trở về Sài Gòn để tìm người cho nội các mới, rồi tuyên bố thành lập chính phủ vào ngày 5/7/1954.
Đúng lúc này, chính phủ mới cuả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm phải đối diện với những bất lợi trước mắt như vấn đề giáo phái, sự lộng hành cuả lực lượng Bình Xuyên, do Pháp cố tình tạo ra những mầm mống chống đối. Điển hình là vụ tướng Nguyễn Văn Hinh bất tuân lệnh chính phủ, trong khi hàng trăm ngàn người ở miền Bắc đang chờ đợi được di cư vào miền Nam v.v.
- Ngày 5/8/1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, đã gởi đến Tổng Thống Mỹ Dwight D. Eisenhower một bức thư qua trung gian Đại Sứ Donald R. Heath và Trung Tướng John «Iron Mike» O›Daniel, Tư Lệnh Đoàn Cố Vấn Yểm Trợ Quân Sự - Đông Dương, MAAG - I (2*), sẽ ghi tắt là MAAG. Trong thư, ông Diệm khẩn thiết yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và quốc tế giúp Việt Nam phương tiện vận chuyển người di cư, cũng như viện trợ nhân đạo cho những người mới vào Nam. Bức thư này cuả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được tổng thống và chính phủ Mỹ đáp ứng nhanh chóng và rất tận tình.
- Ngày 9/8/1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam cho thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn (Nghị Định số NĐ/111/TTP/- VP) với ba nha đại diện ở ba miền.
- Ngày 7/8/1954, Đô Đốc Robert B. Carney, Tham Mưu Trưởng Hành Quân/ Hải Quân Hoa Kỳ chỉ thị đến Tổng Tư Lệnh Thái Bình Dương kiêm Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Felix B. Stump’s, chuẩn bị lực lượng cho một hoạt động quy mô trên biển để vận chuyển người từ miền Bắc Việt Nam.
- Ngày 12/8/1954, Phó Đô Đốc Alfred M. Pride, Tư Lệnh Hạm Đội 7 cho phổ biến Lệnh Hành Quân cuả “Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do” cùng với sự thành lập Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90 do Đề Đốc Lorenzo S. Sabin làm Tư Lệnh (TF 90).
Ngoài Ban Tham Mưu cuả Lực Lượng TF 90, còn có Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân Mỹ ở Phi Luật Tân, Phó Đô Đốc Hugh H. Goodwin chịu trách nhiệm về yểm trợ và tiếp liệu.
«Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do» bắt đầu ngày 18/8/1954 và kết thúc ngày 20/5/1955, với sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp bởi của hơn 15.000 quân nhân các cấp của hải quân, không quân, và bộ binh, được coi là cuộc vận chuyển dân sự trên mặt biển lớn nhất trong lịch sử hải quân cuả Hoa Kỳ. Chiến dịch này được tổ chức quy mô và chu đáo; được tính toán, sắp đặt, chuẩn bị thật hoàn hảo và được theo dõi, giám sát bởi bộ Quốc Phòng, chính phủ cũng như dân chúng Mỹ.Trên tất cả, sự hoạt động hữu hiệu cuả Lực Lượng TF 90 được sự yểm trợ tận lực cuả bốn cơ cấu quan trọng trong quân đội Mỹ:
a. Công Tác Kỹ Thuật Đặc Biệt và Kinh Tế.
b. Quản Trị các Chiến Dịch Ngoài Lãnh Thổ.
c. Cục Vận Tải Quân Sự Đường Biển.
d. Công Tác Hải Ngoại - Liên Bang.
b. Quản Trị các Chiến Dịch Ngoài Lãnh Thổ.
c. Cục Vận Tải Quân Sự Đường Biển.
d. Công Tác Hải Ngoại - Liên Bang.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Đề Đốc Lorenzo S. Sabin yêu cầu Hạm Đội Thái Bình Dương tăng cường cho ông thêm một tàu chỉ huy thuỷ bộ (loại AGC), 8 tàu vận tải tác chiến (APA), 4 tàu vận tải xung kích (AKA), 4 tàu đổ bộ hạng trung (LSD), 4 tàu vận tải cao tốc (APD), 12 tàu đổ bộ chở quân cụ (LCU)...
Bộ Tư Lệnh cuả chiến dịch đặt trên Soái Hạm USS Estes, sẽ thả neo trong Vịnh Hạ Long. «Bộ Chỉ Huy - Tập Trung và Phân Phối» quân nhu, thực phẩm, dược phẩm, nhiên liệu, thư tín, trạm truyền tin liên lạc v.v thì đặt trong Vịnh Đà Nẵng cùng với bản doanh cuả Lực Lượng Yểm Trợ Tiếp Liệu - Tây Thái Bình Dương
Đề Đốc Lorenzo S. Sabin còn ra lệnh chở từ căn cứ hải quân cuả Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản đến Vịnh Hạ Long 85.000 áo phao cấp cứu cá nhân, 85.000 chiếc chiếu, 700.000 đôi đũa, 40.000 chiếc xô đựng nước loại 10 lít, 15.000 tấn gạo (trong tổng số 150.000 tấn sau này cho toàn chiến dịch), 12.000 tấn cá khô, 600 kg muối, chở khẩn cấp từ Okinawa (đảo Xung Thằng) tới Vịnh Hạ Long 600 và Sài Gòn 200 cái lều vải dã chiến quân đội (mỗi chiếc chứa được 120 người).
Cùng với sự giúp đỡ cuả hải quân Mỹ, quân đội Pháp, chính phủ Quốc Gia Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị theo khả năng của mình. Ngoài Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn, Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư (tư nhân) v.v thì ở Hải Phòng có «Ủy Ban Di Tản Người Việt Nam Tỵ Nạn”.
Các Đội Y Tế Công Cộng cũng lần lượt lập ra, chuẩn bị phối hợp hoạt động ở các khu trại lều sẽ được dựng lên ngoại ô Hải Phòng, dọc theo Quốc Lộ 10 trên đường đi Hà Nội, trại xa nhất được dự trù cách Hải Phòng khoảng 20 km. Bộ Tư Lệnh MAAG cũng cử đến Hà Nội, Hải Phòng các sĩ quan liên lạc. Việc điều hành các trại sẽ do khoảng 20 quân nhân Mỹ các cấp và những ban đại diện ngưòi Việt cùng phối hợp hoạt động. Ngoài ra việc tiếp đón, hướng dẫn người mới đến sẽ được giúp sức bởi các cá nhân làm việc thiện nguyện từ những hiệp hội tư ở Việt Nam và quốc tế, thanh niên - học sinh, các vị đạo sư, linh mục, ni cô, sơ v.v.
Chính phủ quốc gia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ cho người di cư. Những nước nhận lời trợ giúp bước đầu có Anh, Tây Đức, Ba Lan, Ý Đại Lợi, Đại Hàn, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc đại Lợi, Tân Tây Lan v.v. Các tổ chức nhân đạo quốc tế cùng những hiệp hội tư nhân nhận lời đến Việt Nam góp một bàn tay có Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, Hồng Thập Tự Quốc Tế...
Ngày 18/8/1954, chiếc Soái Hạm Estes chở Ban Tham Mưu cuả Đề Đốc Lorenzo S. Sabin cùng 9 tàu (vận tải) theo sau hộ tống đến thả neo trong Vịnh Hạ Long, cách Hải Phòng khoảng 20 km về hướng chính Đông. Trước đó ngày 15/8 đã có năm tàu vận tải loại dương vận hạm đến trước thả neo trong vịnh, mục đích để thăm dò mức độ an ninh trong,và chờ lệnh.
Những tàu hiện diện trong vịnh gồm có chiếc USS: Bay Field, Montague, Menard, Hickman County, Marine Adder, Cock, Bass, Begor, Balduck, Askari, Montrose, Diachenko, Skagit, v.v.
Sau bốn ngày tập trung thêm tàu thuyền và các nhu cầu cần thiết, ngày 22/8/1954 Lực Lượng TF 90 cho đổ bộ một trung đội công binh hải quân Ong Biển Seabees (3*) tại bán đảo Đồ Sơn, ở Đông Nam thành phố Hải Phòng khoảng 21 km. Họ lên bờ như một tiền trạm lập đầu cầu, có nhiệm vụ ráp nối một bến đậu cho mấy chiếc loại nhỏ như LCPR; LCM.
Lúc những chú «Ong Biển» cuả hải quân Mỹ đang cặm cụi làm thì một ông Tây «Gà Gô» dắt hiến binh tới ngăn cản công việc. Ông yêu cầu họ dọn vật dụng và lên tàu rời bờ ngay, vì họ đang vi phạm vào bản Hiệp Định Đình Chiến! Sĩ quan liên lạc cuả Lực Lượng TF 90 ở Hải Phòng phân trần với phiá Pháp rằng họ “đến để chuẩn bị đón người di cư theo yêu cầu từ phiá Việt Nam”. Các viên chức Pháp rất lịch sự giải thích “rằng thì là”... trong bản hiệp định Geneva có ghi:.... «Cấm sự gia tăng lực lượng quân sự hoặc nhân viên quân sự cuả các bên hay sự có mặt cuả một quân đội ngoại quốc»....
Trong lúc này, thành phố Hải Phòng đã có gần 150.000 người sống tạm bợ khắp nơi để chờ được lên tàu. Khi biết tin sự cản trở quá nguyên tắc cuả người Pháp, MAAG ở Sài Gòn trực tiếp gởi khuyến cáo tới Lực Lượng TF 90 là nên điều động đơn vị nêu trên tạm thời di chuyển đến ngoại ô hướng Tây Nam Hải Phòng. Tại đây họ sẽ khởi sự thiết lập một khu trại lều cho 15.000 người tạm trú. Toán công binh Ong Biển sau đó nhận lệnh từ Soái Hạm là chất đồ lên xe, trực chỉ hướng Tây Nam Hải Phòng. (Thật ra các viên chức Pháp không thể làm gì được người Mỹ tại một bờ biển cách Hải Phòng 21 cây số!)
Sau khi đoàn xe cuả Ong Biển tới được phiá Nam Quốc Lộ 10, ngay ngoại ô Hải Phòng, phiá Pháp đã gởi lời phàn nàn đến đại diện MAAG ở Hải Phòng. Ngày hôm sau, 23/8, toán Ong Biển bắt đầu khai quang (những thuở ruộng đã được gặt) dành ra một bãi đậu xe, một khu vực chưá hàng, và dựng lên được 6 căn lều dã chiến. Ngày hôm sau nữa, mới sáng sớm thì toán Ong Biển nhận được lệnh bỏ đồ để đó, tới bến cảng có tàu đón về đơn vị ở ngoài... vịnh Hạ Long. Về tới tàu họ mới biết có sự khiếu nại cuả người Pháp với đại diện ICSC tại Hải Phòng rằng:... «có sự xuất hiện cuả một đội quân nước ngoài cùng quân cụ cuả họ tại vùng lãnh thổ bị cấm, dựa theo bản hiệp định»... Thế rồi các bên đều giữ im lặng, ai cũng... «biết rồi... khổ lắm... nói mãi» với giấy và tờ. Đại diện ICSC thì khó giải thích với Pháp trong khi Ủy Ban Di Tản Người Việt Nam Tỵ Nạn có tiếng nói không đủ mạnh, và lỡ có bên nào đó cố «bới bèo ra bọ» thì quả thật phiá Mỹ «hình như» đã vi phạm vào quy định cuả bản hiệp định. Đây là chuyện tế nhị trong phạm trù nhân đạo cấp quốc tế, cả thế giới đang nhìn vô nên bên nào cũng làm thinh và chờ một giải pháp khôn khéo.
Thấy được sự lúng túng, chờ đợi cuả phiá Pháp và đại diện ICSC ở Hải Phòng, ngày 26/8/1954 Lực Lượng TF 90 lần thứ hai cho đưa... Ong Biển đổ... đồ nghề lên bán đảo Đồ Sơn. Lần này là một đơn vị cấp đại đội cùng với... xe ủi đất, xe xúc, xe ben, xe khoan giếng, xe vận tải GMC v.v rầm rộ rời tàu lên bờ. Tất cả «bình yên vô sự» trước những viên chức người Pháp và đại diện ICSC, nhờ biết che hoặc sơn lấp mấy chữ như U.S NAVY , các hình phù hiệu, số hiệu đơn vị v.v. Nói chung là giấu hết tất cả những “dấu vết” quân sự nơi các phương tiện quân cụ. Riêng quân nhân cũng tháo những huy hiệu, phù hiệu v.v đơn vị trên áo quần và không có vũ khí. Với cách ăn mặc như vậy, họ trông giống như công nhân dân sự hơn là hình dáng cuả người lính.
Trong vòng năm ngày tiếp theo, Ong Biển ACB 1 đã hoàn tất việc thiết lập trại tiếp cư thứ nhất ở Hải Phòng, giúp 15.000 người có nơi nương náu. Với 149 căn lều nằm theo từng lô và ngay hàng thẳng lối, nhìn rất yên bình, trại này được đặt tên là «Trại Tỵ Nạn Cái Đình» («Refugee Camp de la Pagode», lạ ở chỗ quanh khu vực trại chẳng có cái đình hay cái chuà nào cả). Từ đây, các trại lều tiếp đón và tạm trú, dành cho những người trốn khỏi cộng sản lần lượt được dựng lên dọc theo Quốc Lộ 10 Hà Nội - Hải Phòng, với những cái tên: Camp Shell; Camp Lạch Tray; Camp Cement; Camp Jardin des Enfants v.v.
Bến Đi Và Bờ Đến Trên Đường Tìm Tự Do.
Đầu tháng 9/1954, lúc các trại tiếp đón lần lượt được dựng lên và bắt đầu lo cho khoảng 90.000 ngưòi vừa mới đến, cũng là lúc các nguồn tiếp tế nhân đạo từ khắp nơi trên thế giới được gởi đến Việt Nam. Từ Châu Âu, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Úc và Tân Tây Lan, Đài Loan, Okinawa, Yokosuka, Hawaii v.v..., các loại hàng cứu trợ được các ân nhân gởi đến nhiều nhất là gạo, thịt hộp, cá hộp,... Hãng thuốc tây Pfizer Company tại Brooklyn New York hiến tặng đợt đầu 50.000 vỉ thuốc viên Terramycin. Các đợt sau hãng này gởi tặng thêm hàng trăm ngàn viên thuốc các loại như Penicilin; Streptomycin; Magnamycin, v.v... Các phái đoàn cuả nhiều quốc gia cũng cử người đến quan sát cuộc sống ở trại để tìm hiểu thêm các nhu cầu. Những phái đoàn cuả chính phủ Việt Nam, Mỹ cũng thường xuyên lui tới thăm viếng, kể cả Đại Tướng Joseph Lawton Collins, Đặc Sứ Liên Bang Mỹ ở Việt Nam; Tư Lệnh MAAG Trung Tướng John O›Daniel v.v. Hải Phòng lúc này tràn ngập người tỵ nạn nhưng không còn ai sống vất vưởng ngoài lề dường như trước đó.
Lúc đến trại, mỗi người dù lớn hay nhỏ tuổi cũng được phát 600grams gạo cho mỗi ngày cùng với nhiều loại thực phẩm kèm theo. Việc nấu nướng thì tự túc vì hầu như gia đình nào lúc ra đi cũng mang theo soong nồi, riêng than, củi hoặc dầu lửa cũng được cấp mỗi ngày.
Kể từ tháng 11/1954, người đến trại không ai ở lâu quá 3 tuần lễ sau khi đã được khám sức khoẻ, điền phiếu thủ tục hành chánh, lãnh quần áo, chăn mền, cắt tóc v.v. Mỗi trại có ký hiệu mẫu tự riêng, từng căn lều có số thứ tự và người ở trại ai cũng có thẻ ghi tên họ và nguyên quán cuả mình v.v. Tuỳ theo địa thế cuả các trại, có nơi được đào giếng để lấy nước, có nơi dùng máy bơm từ suối lên bồn chứa. Công binh Ong Biển cho dựng lên cao nhiều bồn cao su lớn, có thể chưá được 3.000 gallons nước. Nước trong các bồn sẽ được lọc, sát trùng rồi mới phân phối xử dụng. Trung bình mỗi ngày, có tới 12.000 gallons nước được cung cấp cho việc nấu ăn, uống, tắm ở mỗi trại. Riêng những căn lều cuả y tế thì đặc biệt khá lớn, có thể chưá được từ 300 tới 500 bệnh nhân nằm điều trị ngắn hạn. Nếu có người mang bệnh nan y hoặc quá trầm trọng, bệnh nhân sẽ được ưu tiên đưa đến bệnh viện Hải Phòng hay những bệnh viện hạm ngoài Vịnh Hạ Long. Các bệnh phổ biến nhất trong lớp người đến trại là sốt rét, đậu muà, thương hàn, cảm ho, lở mắt, ghẻ nhọt ngoài da v.v.
Ở mỗi trại trung bình một ngày có gần 2.000 người xin khám bệnh. Hải quân Pháp ở Hải Phòng, được sự chấp thuận cuả Đô Đốc Jean Marie Querville, Tư Lệnh Hải Quân - Đông Pháp, đã nhường hẳn cho hải quân Mỹ dùng một trung tâm thí nghiệm khá lớn để tập trung phân tích, tìm bệnh từ các mẫu máu cuả người đến trại. Ngay cả phu nhân cuả vị đô đốc nêu trên, bà Querville cũng sốt sắng tham gia làm thiện nguyện ở bệnh viện Hải Phòng và thăm viếng các trại.
Một vị phụ nữ đáng kính khác cũng âm thầm làm việc nhân đức là bà Vũ Thị Ngãi, được mọi người ưu ái gọi là Madame Ngãi. Bà là người đích thân lặn lội đi tìm và nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bất hạnh ở Thanh Hoá, Nam Định, Hải Phòng,... rồi vô tới Sài Gòn sau này. Các em bà cưu mang hầu hết là trẻ mồ côi, lạc gia đình vì chiến cuộc, bị bỏ rơi vì tật nguyền v.v. Việc quản trị về y tế cho người di cư ở Hải Phòng và các trại thì do Trung Tá Hải Quân, bác sĩ James Grindell đảm trách. Những bác sĩ hải quân thường trực ở các trại có Đại Úy Julius Amberson; Đại Úy William Cox›s; Đại Úy Sidney Britten,...
Trong hai tháng đầu hoạt động, trung bình mỗi ngày từng trại có từ 400 tới 600 người tìm đến. Về sau lên tới con số ngàn rồi chục ngàn. Có lúc nguyên cả một làng hàng ngàn người cũng tìm tới trại. Các trại đón tiếp vào khoảng tháng 10 về sau, mỗi nơi đông từ 12.000 đến 15.000 người.
Chuyến tàu thứ nhất, chiếc USS Menard (vận tải hạm), cuả hải quân Mỹ chở người di cư rời Vịnh Hạ Long ngày 17/8/1954, tàu này chở vào Sài Gòn 1924 người. Chuyến thứ hai ngày kế tiếp, chiếc USS Montrose mang theo được 2.100 người. Và còn nữa, .. còn rất nhiều người đến, và cũng còn rất nhiều tàu sẵn sàng chờ đưa những người không chấp nhận cộng sản vượt đến bến bờ tự do. Dọc theo thềm bờ biển Việt Nam vào cuối năm 1954, có tới hàng trăm con tàu trực chỉ hai miền Nam - Bắc suốt ngày và đêm. Tàu ngược xuôi như những con thoi trên mặt nưóc. Trong vòng hai tuần đầu tháng 9 sau trận bão, các tàu Mỹ đã chuyển vận vào Nam được 47.000 người! Từ giai đoạn này trở đi, số người di cư được chuyển dồn dập tới Sài Gòn, ngày nào cũng có vài chiếc cập bến. Người đông tới mức làm các tổ chức lo đón tiếp làm việc không xuể, họ buộc phải báo cáo lên Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn về vấn đề này. Chính phủ Việt Nam sau đó thông báo với phiá Mỹ, yêu cầu họ chỉ nên cho những tàu nào chở dưới 2.500 người mới được ghé Vũng Tàu hoặc Sài Gòn. Yêu cầu nêu trên chỉ tạm thời cho tới sau ngày 25/9/1954.
Ngày 9/10/1954, Pháp làm lễ hạ cờ tại Hà Nội, tập trung về Hải Phòng để rút toàn bộ khỏi miền Bắc Việt Nam. Ngày 12/ 12/ 1954, Mỹ đóng cửa Toà Lãnh Sự ở Hà Nội.
Lúc đến được các trại tạm cư ở Đà Nẵng, Sài Gòn, v.v, đồng bào di cư được cấp 12 đồng cho mỗi ngày đối với người lớn, trẻ em được 6 đồng, kèm theo thực phẩm cứu trợ và vật dụng cần thiết. Tới ngày 11/3/1955, cứ mỗi người mới đến, không phân biệt lứa tuổi sẽ được cấp một lần số tiền 800 đồng. Lúc tới nơi định cư chính thức, mỗi người sẽ được cấp một lần 3.000 đồng để tự túc làm nhà, không tính vào vật liệu được cung cấp, dụng cụ làm nông, các loại hạt giống, phân bón, giường, tủ, bàn ghế, chăn màn và thực phẩm cứu trợ được cung cấp đều đặn đến khi cuộc sống được ổn định.
Ở thành phố Đà Nẵng có những trại định cư như Thanh Bồ; Đức Lợi; Tam Toà, xa hơn một chút thì Hội An v.v. Riêng ở thủ đô Sài Gòn và vùng phụ cận có khoảng 10 trại tiếp cư tạm thời được thiết lập ở Phú Thọ; Bình Đông 1; Bình Đông 2; Bình Đông 3; Bình Trị Đông; Bình Thới, khu vực cầu Nhị Thiên Đường; Bảo Hưng Thái; Rạch Dưà; Xuân Trường (Thủ Đức); Biên Hoà v.v. Đó là chưa tính nhiều địa điểm tiếp cư nhỏ hơn ở các trường học nội đô Sài Gòn, hoặc tại Gò Vấp; Thủ Dầu Một, khuôn viên Toà Hành Chánh tỉnh Gia Định, Hoà Khánh (Chợ Lớn), khuôn viên Sở Cứu Hoả Đô Thành trên đường Trần Hưng Đạo v.v. Từ những nơi tạm cư sau những ngày đầu di tản khỏi nanh vuốt cộng sản, đồng bào di cư sẽ đưọc đưa đến lập nghiệp dài lâu trong 156 Khu Định Cư ở miền Nam; 65 khu ở miền Trung và 34 khu ở Cao Nguyên Trung Phần.
Đến cuối tháng 3/1955, các trại lều tạm trú ở Hải Phòng lần lượt tháo gỡ, số người tìm tới trại cũng giảm dần. Sang đầu tháng 4/1955, chỉ còn lại ba khu trại và khoảng 30.000 người đang chờ xuống tàu. Đến ngày 10/5/1955, tất cả các trại lều đều được tháo gỡ, người chờ xuống tàu còn khoảng 4.000. Số người này được đưa vào thành phố Hải Phòng tạm trú trong những khu vực do Pháp và Mỹ kiểm soát. Cùng lúc đó phiá người Pháp ở Hải Phòng cũng giảm xuống còn khoảng 300 người. Những ngưòi này được lệnh gấp rút tháo gỡ và đem xuống tàu tất cả những gì hữu dụng, từ máy móc cho tới bàn ghế, tủ, giường. Nói tóm lại là dọn sạch. Người Pháp quyết không chừa một thứ gì có giá trị lọt vào tay cộng sản.
Chuyến tàu chót cuả Lực Lượng TF 90, chiếc USS General A.W. Brewster, rời vịnh Hạ Long ngày 15/5/1955 cùng với 1.300 người. Chuyến tàu chở người di cư sau cùng cuả hải quân Pháp, chiếc Gascogne, rời Hải Phòng ngày 26/5/1955 với 888 người.
Tổng kết:
Trong Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do, Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90 cuả Mỹ đã huy động được 114 tàu các loại, thực hiện được 109 chuyến xuôi Nam, chở được 310. 848 người, 68.757 tấn hàng các loại và 8.000 xe quân sự lẫn dân sự. Có 54 người qua đời trên tàu và được thuỷ táng. Có 184 em bé chào đời trên các chuyến tàu vào Nam.
Từ năm 1955 đến 1956, chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam 93 triệu Mỹ Kim để giúp chính phủ lo việc tái định cư cho đồng bào. Riêng công chúng Mỹ và các trường học, cũng tổ chức quyên góp được 11 triệu MK giúp đồng bào di cư.
Về phiá Pháp: Không lâu sau ngày ký «Hiệp Định Đình Chiến», từ ngày 5/8/1954 người Pháp đã làm hết sức để vận chuyển vô Nam không những các nhân viên quân sự, hành chánh, công dân cuả họ, mà còn giúp đưa người dân miền Bắc thoát khỏi tay cộng sản, bằng máy bay và bằng tàu thuỷ. Lúc tàu hải quân Mỹ đến Vịnh Hạ Long thì hải quân Pháp cũng đã vận chuyển được nhiều ngàn người.
Phiá Pháp, đã phối hợp với hải quân Mỹ, xử dụng tối đa các loại tàu nhỏ đưa người di cư từ Hải Phòng ra chuyển lên tàu lớn cuả Mỹ, đồng thời cũng dùng tàu vận tải đưa người thẳng vào Nam. Dù trong thực tế, lực lượng hải quân cuả họ ở vùng Đông Pháp không có nhiều tàu loại lớn như Mỹ, nhưng họ vẫn cố gắng làm hết sức mình để giúp người di cư. Tàu cuả Pháp thực hiện được 388 chuyến xuôi Nam, vận chuyển được hơn 240.000 người. Máy bay Pháp ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng tính chung đã chở được khoảng 213.000 ngưòi với 4.280 chuyến bay, trong đó có 40.000 công dân Pháp, 4.000 người là các nhân viên hành chánh.
Về sự giúp đỡ chuyển vận người bằng đường biển, các nước sau đây cũng có góp phần: Anh giúp được 2 chuyến, Cộng Hoà Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) được 2 chuyến, và tàu Ba Lan được 4 chuyến.
Năm 1957, chính phủ Việt Nam Công Hoà công bố có khoảng 928.152 người di cư vào miền Nam. Riêng số người được đưa vô bằng tàu thuỷ và máy bay có khoảng hơn 555.000. Những người tự túc tìm phương tiện ra đi có khoảng 110.000 người. Người Việt gốc Hoa ở các thành phố miền Bắc bỏ vào Nam khoảng hơn 15.000 người.
Ngược lại, toàn miền Nam chỉ có 4.358 người xin trở về miền Bắc. Phần đông số người này vào lập nghiệp ở miền Nam lúc Pháp tuyển mộ phu đồn điền hoặc cạo mủ cao su. Những con số dẫn trên thuộc về dân sự.
Về quân sự: Lính Quân Đội Quốc Gia hoặc trong quân đội Pháp (kể cả tù binh mới trao trả) vào được miền Nam 190.000 người, 33.000 người khác đi theo là gia đình hay thân nhân cuả số quân nhân vừa kể. Có khoảng 25.000 quân nhân và thân nhân đồng bào Nùng, Thái, Mèo v.v được vận chuyển vào Nam.
(còn tiếp)
*«OPERATION PASSAGE TO FREEDOM» - 1954
-----------------
Nguồn: -----------------
No comments:
Post a Comment