Sunday, March 19, 2023

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH - Trung úy Ngô Trúc Khánh

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH
Trung úy Ngô Trúc Khánh
Trung úy Ngô Trúc Khánh
Tốt nghiệp khóa 7/68/SQTB/Thủ Đức
Trung đội trưởng Đại đội 238/ĐPQ
Đại đội phó Đại đội 238/ĐPQ
XLTV Đại đội trưởng Đại đội 238/ĐPQ
(Trung Uý Ngô Trúc Khánh)

Kính tặng : Niên trưởng, Đại úy Lê Văn Mùi
Chiến hữu, Chuẩn úy Chu Văn Khánh
Giữa năm 1969, tôi mãn khóa 7/68/SQTB/ Thủ Đức và xin chọn về Tiểu Khu nguyên quán Bình Thuận . Sau khi trình diện Phòng Tổng Quản Trị, chúng tôi được cho nghỉ phép nửa tháng, sau đó trở lại để nhận Sự Vụ Lệnh ra đơn vị . Một số anh em cùng khóa với tôi đi các Đại đội trong Nam Bình Thuận, chỉ có anh bạn tên là Chu Văn Khánh người Nha Trang là đi về đơn vị Đại đội 238/ĐPQ cùng với tôi . Đại đội 238/ĐPQ đồn trú tại Khu 3 Liêm Bình, thuộc xã Phan Rí Thành, quận Hòa Đa . Tại khu vực này có một vườn cây ăn trái của ông bà Ngoại tôi rộng chừng hai mẫu, nằm sát bờ Sông Lũy, và bên kia sông là đồi Lạc Sơn . Đây là khu vườn mà ở đó tôi đã có một trời kỷ niệm về tuổi thơ với ông bà Ngoại cùng các Cậu, Dì, đặc biệt nhất với người Cậu thứ Bảy tên Trương Trọng Anh, hiện nay đang cư ngụ tại Australia

Đại đội trưởng Đại đội 238/ĐPQ là Thiếu úy Lê Văn Mùi người Nha Trang . Đại đội phó là Chuẩn úy Đặng Ngọc Thạnh cũng người Nha Trang . Bạn tôi Chuẩn úy Chu Văn Khánh được bổ nhiệm vào chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 3 . Không hiểu tại sao tôi không được bổ nhiệm vào chức vụ Trung đội trưởng nào, mặc dù các Trung đội còn đang thiếu Sĩ quan, mà lại đi theo Bộ chỉ huy Đại đội . Có thể vì tướng tá của tôi còn quá thư sinh, chưa nhuốm một tí bụi phong trần nào chăng ? Nên Thiếu úy Mùi không mấy tin tưởng vào khả năng chỉ huy của tôi, dưới tay có hàng chục sinh mạng lính, tôi nghĩ như thế ! Nhưng đối với tôi, đây là một điều mừng …Quả thật như vậy, chiến sự tại vùng Liêm Bình trong thời này vô cùng nóng bỏng sôi động . Chỉ vài ngày trước khi tôi về, Đại đội 238/ĐPQ này đã giao chiến với Tiểu đoàn mang số 600 của CS Bắc Việt . Nhưng nhờ được tăng cường Thiết Giáp và Pháo Binh, và Trực thăng Võ trang yểm trợ tối đa nên đã chiến thắng lớn . Và hầu như cách một hai đêm là có đụng độ lẻ tẻ giữa các Trung đội, nhất là Tiểu đội Viễn thám của Thượng sĩ Nhị với VC địa phương .
(cầu Nam trên sông Lũy QL1, ngã rẽ xuống Phan Rí Cửa)

Nhờ đi theo Bộ chỉ huy ĐĐ nên tinh thần cũng bớt căng thẳng, khi tôi chưa có một kinh nghiệm chiến đấu nào . Tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu từ Đại đội trưởng Thiếu úy Mùi mà quân trường không có dạy . Cuối năm 1969, Thiếu úy Mùi mới cho tôi ra nắm Trung đội trưởng Trung đội 1/238/ĐPQ .

Cũng nên nhắc lại, vào đầu năm 1969, Thiếu tá Lại Văn Xuân mới về giữ chức vụ Quân kiêm Chi Khu Trưởng Chi Khu Hòa Đa mới chừng một tháng thì bị Việt Cộng bất thần tấn công với một đơn vị cấp Trung đoàn, đặc công VC đã đột nhập được vào phòng tuyến Chi khu, lúc này được phòng thủ bởi một Trung đội Nghĩa quân và Đoàn Cán bộ XDNT . Kết quả thật tệ hại là bên ta có hơn 50 binh sĩ tử thương . Thiếu tá Lại Văn Xuân và Cố vấn Mỹ phải vượt tường qua khu Pháo binh, đồn Bạch Mã sát với Chi khu mới sống sót . Đại đội 238/ĐPQ có về giải vây nhưng đã bị VC chận đánh khắp nơi .

Cuối năm 1969, theo các tin tức tình báo của Ban 2 Chi khu, của Cảnh sát Quốc gia, kể cả tình báo của Mỹ đều ghi nhận : Cộng Sản Bắc Việt quyết sẽ san bằng các đồn bót ngoại vi và Chi khu Hòa Đa một lần thứ hai ….Do vậy, Chi khu Hòa Đa quyết định điều động Đại đội 238/ĐPQ về phòng thủ và làm lực lượng cơ hữu của Chi khu . Bàn giao lại đồn Liêm Bình cho các Trung đội Nghĩa quân đảm trách . Cũng nên biết, trước năm 1969, Đại Đội 238/ĐPQ là một đơn vị yếu kém không có tiếng tăm gì vì binh sĩ đa phần đều tân tuyển và hầu hết đều sinh quán ở Ninh Hòa- Nha Trang, vì xa nhà nên tinh thần không ổn định . Nhưng dưới thời chỉ huy của Thiếu úy Lê Văn Mùi, một Sĩ quan giỏi, giàu kinh nghiệm chiến đấu, đã biến Đại đội từ một đơn vị yếu kém trở thành một đơn vị ưu tú nhất của Bắc Bình Thuận, nhất là từ khi Thiếu úy Mùi sáng chế và cải tiến thành công mìn Claymore tự động . Những chiến công vang dội ở Khu 3 Liêm Bình đều la do sử dụng có hiệu quả của chiến thuật gài mìn Claymore tự động trên các con đường xâm nhập và di chuyển của địch, kết quả thật mỹ mãn là đã làm tê liệt hoàn toàn các mũi công tác của VC .

Khi về Chi khu Hòa Đa làm đơn vị phòng thủ, hàng đêm Thiếu úy Mùi chỉ để lại tại Chi khu Bộ chỉ huy Đại đội, Trung đội Vũ khí nặng và hai Trung đội trừ phụ trách canh gác hai mặt trọng yếu của Chi khu, còn hai Trung đội phải đi phục kích bên ngoài với Tiểu đội Viễn thám . Trong thời gian này, cứ khoảng 10 ngày hay nửa tháng, Đặc công VC thường bò vào thám sát, cắt kẽm gai có khi đến sát vòng đai phòng thủ cuối cùng, nhưng lần nào chúng cũng bị ta phát giác …Điều đó phối hợp với tin tức tình báo đã xác nhận ý đồ tấn công Chi khu Hòa Đa lần thứ 2 của VC là không tránh khỏi . Cũng vì là Đại đội cơ hữu phòng thủ Chi khu nên chúng tôi được yểm trợ tối đa đạn dược, thường là cấp số đôi, nhất là mìn Claymore thì không hạn chế, chỉ nặng quá mang không nổi mà thôi .

Tôi còn nhớ cái ngày định mệnh, đó là ngày 19-1-1970. Để chận từ xa kế hoạch tấn công Chi khu, nên hằng đêm chúng tôi phải luân phiên nằm tiền đồn tại làng Minh Mỵ-An Bình . Đây là một làng nhỏ của người Chàm nằm bên bờ con Sông Cạn (Sông Mao) về hướng Tây- Nam Chi khu Hòa Đa khoảng 1 km, và nếu đứng trên cầu Sông Cạn nhìn về hướng tây chừng 1km thì thấy xóm nhỏ này . Ngoài bìa làng là một con đường đất khá rộng, dọc theo đường là hàng chục chuồng bò nằm san sát bên nhau, mỗi chuồng nhốt chừng 50 con bò vừa lớn vừa nhỏ . Đầu làng có một giếng nước, cách xa bìa làng là ruộng lúa, mùa này chỉ còn trơ gốc rạ . Tiếp giáp với bìa rừng nằm về hướng tây là một hệ thống mương rạch chằng chịt, sâu quá đầu người . Xét về mặt chiến thuật, nơi đây rất thích hợp cho việc phục kích địch với cấp Đại đội trở lên . Thường khi tới đây, chúng tôi không dám đóng quân bởi quân số cấp Trung đội quá ít, không phòng thủ hết mọi mặt được, vì vậy chúng tôi rải mìn Claymore tự động tại khu này rồi ém quân phục kích chỗ khác .

Vì là lính Địa Phuong Quân, nên hằng ngày khi đóng quân ở chỗ nào, thì chúng tôi cũng đi quan sát địa hình xung quanh chỗ đóng quân . Tìm chỗ nào địch có thể làm đường xâm nhập, cùng chỗ phục kích tốt nhất và con đường rút lui khi đụng địch với cấp số lớn hơn . Do vậy địa hình nơi đây chúng tôi thuộc lòng từng ngõ ngách, về đêm di chuyển từ chỗ này qua chỗ kia dễ dàng .

Tuần lễ này là tuần đầu tiên mà Trung đội của tôi trách nhiệm nằm tiền đồn tại khu vực này . Đêm ấy, mặc dù đã 7 giờ tối nhưng nhìn ra đồng ruộng trời vẫn còn sáng mờ, tôi dẫn lính đi lòng vòng để đánh lạc hướng của cơ sở địch theo dõi, chờ cho thật tối, tôi phân chia khu vực gài mìn Claymore tự động cho hai Trung sĩ Tiểu đội trưởng, chừng nửa giờ sau là công việc gài mìn hoàn tất, tôi dẫn cả Trung đội ra ngoài đồng trống . Chính giữa đồng có một con mương nằm ngang song song với khu mương rạch mà tôi đã cho giăng đầy mìn chừng 150m . Bộ chỉ huy Trung đội nằm giữa và 2 Tiểu đội nằm hai đầu mương, mìn Claymore bấm bằng tay hướng về mọi phía . Ngày còn học ở quân trường, cấp số lý thuyết của một Trung đội là 36 người, nhưng thực tế ngoài chiến trường quân số rất thê thảm, ngày nào cao lắm Trung đội tôi chỉ độ 15 người tính luôn cả Trung đội trưởng, Trung đội Phó, Âm thoại viên . Thường thì mỗi Trung đội trưởng có một Tà lọt để sai vặt linh tinh, nhưng quân số ít quá, nên anh Âm Thoại viên kiêm luôn việc này, như vậy một Trung đội chỉ còn khoảng 10 khinh binh . Mỗi khinh binh phải mang 2 cấp số đạn chưa kể vũ khí cá nhân và 2 quả mìn Claymore (1 tự động, 1 điều khiển bằng tay) . Trình bày như vậy để thấy rằng, trong thời điểm những năm 1969-1970-1971 quân số tham chiến của Địa Phương Quân vô cùng thiếu hụt, nhưng bù lại đạn dược được cấp phát đầy đủ nhất là lựu đạn và mìn Claymore (chúng tôi được ưu tiên hơn vì là đơn vị phòng thủ) . Nhờ có mìn Claymore tự động bảo vệ từ xa, nên tinh thần binh sĩ rất cao và tự tin . Những đêm đi tiền đồn dù quân số ít ỏi, nhưng tất cả đều an tâm, không lo sợ như những thời gian về trước .

Tôi đang chập chờn trong giấc ngủ, thì nghe một tiếng nổ của quả mìn Claymore tự động gài gần chuồng bò phát nổ . Không ai bảo ai, tất cả vào vị trí chiến đấu vì nghĩ rằng rất có thể VC đột nhập bị vướng mìn . Nhưng không, liền ngay sau đó là tiếng rống một lượt của cả trăm con bò làm lay động, kinh hoàng cả một vùng . Tôi giật mình toát mồ hôi hột dù trời se lạnh giữa mùa đông, linh tính báo cho biết sự việc xảy ra thật nghiêm trọng ! Tôi ra lệnh cho Trung sĩ Tiểu đội trưởng trách nhiệm khu vực gài mìn dàn tiểu đội bò lên kiểm tra và anh ta trở về hổn hển báo cáo : Một con bò đã sổng chuồng ra ngoài đụng phải dây mìn . Hướng quả mìn thay vì hướng ra ngoài bìa mương trước mặt, nhưng vì có lẽ trời quá tối không thấy rõ vị trí nên Hạ sĩ Thanh đã hướng quả mìn tạt xéo suốt dọc chuồng bò …không biết chính xác bao nhiêu con bò chết và bị thương, nhưng trước mặt không dưới 200 con . Nghe báo cáo, tôi chết điếng cả người, nãy giờ đổ mồ hôi bây giờ tôi phát run cả người, tôi không biết phải làm gì nữa . Tôi bàn với anh Trung đội phó, dù gì cũng đã lỡ rồi, có gì đi nữa thì tôi vẫn chịu trách nhiệm với việc làm của thuộc cấp . Tuy nhiên tinh thần tôi căng thẳng quá, nếu có đụng trận trong đêm nay anh phụ tôi chỉ huy … nhớ nhé !

-Chuẩn úy đừng lo, có bao giờ tôi bỏ ông đâu ! Trung sĩ nhất, Trung đội phó này cũng tên Khánh, người Ninh Hòa nhưng gốc Bình Định, một người rất có tình nghĩa, anh ta có tính tình rất ngang ngược, không bao giờ biết sợ ai và ưa nói sẵn với mọi cấp trên, nhưng với tôi, anh ta tỏ ra lễ độ và thân thiện . Bởi từ ngày về Đại đội, tôi chưa bao giờ đối xử theo cung cách là một người chỉ huy, mà lúc nào cũng coi anh ta như một người anh (năm đó anh đâu chừng 45 tuổi) . Anh ta thường nói với tôi và lính trong Trung đội là trong đời quân ngũ gần 20 năm, chưa có một Sĩ quan nào đối xử với anh ta trong tình nghĩa của một người anh đúng nghĩa, duy chỉ có một mình tôi . Và ngược lại, anh ta chưa thân thiện, và thương mến với một Sĩ quan nào như với tôi . Thường thì sau những đêm đi kích, sáng về hậu cứ tập họp xong, nếu không có hành quân tôi thường về nhà ở Chợ Lầu, giao Trung đội lại cho anh coi …Những khi có Thanh tra, tập họp ứng chiến, hay đi hành quân bất thường, cho lính đi kêu tôi không kịp, anh cũng thay tôi chỉ huy Trung đội mà không có chút phiền hà gì . Những lần hành quân phải lội qua sông, suối, tôi thường tháo giày để khỏi ướt, nhưng anh bảo tôi đừng tháo để anh cõng tôi qua sông, tưởng anh nói chơi cho vui ai ngờ anh làm thiệt . Tôi thường không đồng ý, bởi dầu gì tôi cũng phải kính trọng anh và bình dị với anh em . Vậy mà anh cứ đến khom lưng bảo tôi leo lên, tôi không chịu thì anh ôm tôi mà lội xuống nước, chuyện này không phải một lần mà đã xảy ra nhiều lần . Hình ảnh này tất nhiên cũng làm cho nhiều anh em Sĩ quan cùng đơn vị suy nghĩ và ganh tỵ . Họ không biết tôi có một mãnh lực nào đã khiến cho một Hạ sĩ quan ương ngạnh, khó bảo lại chịu phục tùng như vậy !

Suốt cả đêm không sao chợp mắt được, phần vì lo sợ, phần vì tiếng bò rống của cả trăm con cùng bị thương. Trời chưa sáng hẳn, dân làng Minh Mỵ túa ra than khóc vang trời . Anh lính Truyền tin đến sát bên tôi nói nhỏ : “Chuẩn úy ! Hạ sĩ Thanh (người đã gài mìn nổ vào đàn bò) đã bỏ súng ống và toàn bộ vật dụng tại chỗ nằm và trốn đi rồi . Khi về đến Chi khu thì tôi được tin anh ta đã đào ngũ trốn về quê trong ngày hôm đó .
Mặt trời vừa mọc, không biết ai báo tin, không hẹn mà gặp đầy đủ, nào là An Ninh Quân Đội, Quân Cảnh Tư Pháp kéo tới hiện trường . kẻ đo, người đếm, ghi chép, vẽ sơ đồ hiện trường ….Tôi ngao ngán không biết làm gì khác hơn là cho lệnh thu quân về hậu cứ . Người đầu tiên tôi gặp là Thiếu úy Mùi, tôi báo cho anh biết mọi sự việc và sau đó anh bảo lịnh của Chi Khu là tôi phải qua trình diện Chi An Ninh Quân Đội để họ tiến hành lập biên bản trình lên thượng cấp . Tôi nghĩ, đời quân ngũ chắc tới đây là chấm dứt, tôi nghĩ ngày ra Tòa án Quân sự về tội không kiểm soát thuộc cấp và thế nào cũng bị tước binh quyền (lột lon) . Đời nhà binh, không quen lớn thế thần và nhất là không có tiền bạc thì bao giờ cũng thế ! Lúc này các đơn vị An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh Tư Pháp đã làm xong mọi thủ tục tại làng Minh Mỵ, nơi xảy ra tai nạn mìn nổ làm bò chết, và đang lục đục kéo về Chi An Ninh Quân Đội nằm bên trong vòng đai Chi Khu . Họ cười nói huyên thuyên và bảo rằng đây là một sự việc chưa từng thấy trong cuộc đời làm an ninh của họ . Nhiều đơn vị cũng có khi bất cẩn làm nổ mìn, nhưng chỉ giết vài ba con bò đi lạc, không như hôm nay hàng trăm con bị chết và bị thương vô số (chưa bao giờ thịt bò lại bán rẻ như hôm nay tại quận Hòa Đa), nhà nào cũng ăn thịt bò và Cá bán không ai mua . .

Vì còn sớm chưa tới giờ làm việc, nên bọn họ đi qua đi lại, kẻ đứng người ngồi tán gẩu . Còn tôi im lặng trầm ngâm như một bị can trước giờ lên vành móng ngựa . Bỗng từ ngoài vòng đai, một chiếc xe Jeep chạy vào cổng Chi khu, thì ra xe của Ban Cố Vấn Mỹ . Viên Thiếu tá Cố Vấn Trưởng nhìn vào Chi An Ninh Quân Đội thấy lố nhố người, trong đó có tôi, chắc là ông ta đã hiểu được phần nào câu chuyện vì chính ông và các phụ tá cũng vừa đi kiểm tra ở làng Minh Mỵ trở về . Ông bảo viên tài xế, Trung sĩ người Mỹ dừng xe lại và bảo viên Thông ngôn người Việt Nam đang ngồi ở băng sau đi vào hỏi xem chuyện gì ?

Tôi nói với anh Thông Ngôn là tôi được lệnh của Chi Khu trình diện tại đây để An Ninh Quân Đội, và Quân Cảnh Tư Pháp lập biên bản về sự việc đã xảy ra khi hôm ở Minh Mỵ . Viên Thông ngôn trở ra báo cáo cho Cố Vấn Trưởng, không biết ông ta nói gì đó thật lâu với viên Thông Ngôn, rồi thì anh ta trở ngược lại Chi An Ninh Quân Đội nói cho tất cả mọi người cùng nghe : -Thiếu tá Cố Vấn Trưởng nói, sự việc khi hôm tại làng Minh Mỵ mà ổng cùng Ban Cố Vấn vừa quan sát mới trở về là hoàn toàn do tai nạn chiến tranh . Ông ta (Chuẩn úy Khánh) không có tội gì hết . Tất cả các anh có mặt tại đây phải trở về ngay đơn vị và coi như không có chuyện gì đã xảy ra khi hôm . Đây là tai nạn chiến tranh không sao tránh khỏi, do đó Ban Cố Vấn sẽ phúc trình Bộ Xã Hội và đề nghị bồi thường thỏa đáng cho dân chúng …Lời chuyển đạt từ viên thông ngôn y như một lệnh phát ra từ một Tướng Tư Lệnh, có lẽ vì mất hứng và hơi quê với tôi, các nhân viên An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh Tư Pháp vội vàng thu gọn hồ sơ và mạnh ai nấy đi, không kịp chào hỏi, vồn vã như lúc mới tới .

Tôi cảm thấy người nhẹ nhõm, không ngờ sự việc lại êm đẹp như vậy, lần này tôi đã thoát được tai nạn là một sự may mắn kỳ diệu . Tôi lâm râm khấn thầm trong miệng : Cám ơn Trời Phật, Ông Bà, Cha Mẹ đã linh thiêng hộ trì cho con . Cám ơn ông Thiếu tá Mỹ Cố Vấn Trưởng đã ra tay cứu nạn cho tôi kịp lúc . Lúc này trong Chi An Ninh Quân Đội không còn ai vì còn quá sớm, bên ngoài ông Cố Vấn Trưởng vẫn còn ngồi trên xe jeep nói chuyện với ông Trung úy Mỹ trắng Phụ tá, bên cạnh là viên Thông ngôn . Tôi quyết định trở ra gặp ông Cố Vấn để nói lời cám ơn . Tôi bước đến gặp ông tại chiếc xe jeep và giơ tay chào trong tư thế đứng nghiêm, ông Cố vấn ngưng nói chuyện và đưa tay ngoắc bảo tôi lại gần và nói : Kane (Khánh), You don‘t worry, no problems . This is the accident of war . I will help you, Babyson !

Trong hầu hết các Sĩ quan ở Chi Khu Hòa Đa, kể cả các Sĩ quan trong Đại đội 238/ĐPQ, chỉ có tôi là ông ta gọi bằng Babyson . Cho tới bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, hồi đó ông ta đã quý mến và thương tôi như con trai trong gia đình của ông, bởi thời điểm đó mặc dù tôi vừa tròn 24 tuổi, nhưng vì trắng trẻo trông còn rất trẻ vào khoảng 18-19 tuổi và không giống như một Sĩ quan tác chiến dãi dầu sương gió của một Đại đội tác chiến danh tiếng của Chi Khu Hòa Đa và tôi đoán chừng ông Thiếu tá Cố vấn trưởng đang ở tuổi trên dưới 50 .

Qua ngày hôm sau, 20-1-1970 đêm thứ hai nằm tiền đồn . Tôi lại dẫn Trung đội ra làng Minh Mỵ, đến chỗ xảy ra mìn nổ đêm qua, quang cảnh đường làng trống vắng, chỉ có một ngày mà dân làng đã di chuyển hết số chuồng bò đi nơi khác, tôi cảm thấy có chút buồn buồn như thiếu một cái gì đó . 

Trời gần xẩm tối, tôi ra lệnh cho hai Trung sĩ Tiểu đội trưởng dẫn hai Tiểu đội đi gài mìn giống như các vị trí tối qua và tôi không cần căn dặn và kiểm soát gì thêm vì đâu còn chuồng bò nữa . Chờ cho tất cả gài mìn xong tôi lại dẫn Trung đội về lại con mương cũ đóng quân hôm qua để phục kích nằm chờ . Đêm thật vắng lặng, tĩnh mịch, chỉ nghe có tiếng gió xào xạc cây rừng hòa lẫn với tiếng côn trùng nỉ non . Đi kích đêm tôi không mang theo đồng hồ vì sợ ánh sáng dạ quang của đồng hồ dễ làm lộ mục tiêu, tôi đoán giờ bằng cách nhìn những chòm sao theo thói quen . Tôi nhìn lên nhóm sao Đại Hùng Tinh và đoán chừng đã 11 giờ khuya, sương xuống nhiều làm ướt đẫm đám cọng rạ trên cánh đồng, và chiếc mền Poncho Light đang đắp . Bỗng nhiên từ khu mương rạch trước mặt, bầy Te te hốt hoảng bay lên trời đảo nhiều vòng và cất tiếng kêu vang động, viên Trung Đội phó trườn tới chỗ tôi nằm hỏi nhỏ :
-Chuẩn úy ngủ hay thức ?
-Thức (tôi đáp nhỏ)
-Chuẩn úy cho báo động đi, có VC mò về !
-Tôi hỏi, sao anh biết
-Trung đội phó giải thích : Loài chim Te te này khi ngủ thường chổng hai chân lên trời, áp đầu xuống đất, nên chúng nghe và phân biệt tiếng động một cách chính xác . 

Nếu là thú vật nhỏ (như chuột, sóc) thì chúng bay không cao, kêu từng tiếng một, rồi lượn là đà tìm chỗ đáp xuống . Nếu là thú lớn (chồn, thỏ, heo rừng …) thì chúng bay cao và kêu to hơn bình thường . Còn nếu là người thì chúng bay đánh vòng và kêu tiếng thất thanh, hốt hoảng …

Chuẩn úy có nghe tiếng nó kêu không ? Anh ta đúng là một Hạ sĩ quan đầy kinh nghiệm, già dặn, nghe lính trong đơn vị nói anh ta đã đi lính trên 20 năm và đã trải qua nhiều sắc lính và đã tham dự hầu hết mọi chiến trường, đi nơi này vài năm là đào ngũ đi qua lính khác ..từ Binh nhì leo lên tới Trung sĩ rồi lại đi xuống Binh nhì giống như đi lính là một trò chơi đuổi bắt mà chiến trường là sân chơi . Trước khi tôi về Đại đội 238/ĐPQ thì anh đã là Trung đội trưởng Trung đội 1, sau anh bàn giao Trung đội lại cho tôi và làm Trung đội phó . Tôi cũng đã học hỏi từ nơi anh rất nhiều kinh nghiệm chiến trường . Sau khi nghe giải thích xong, tôi đồng ý và ra lệnh cho anh Truyền tin Quế bò đi đánh thức và báo động toàn Trung Đội vào vị trí chiến đấu . 

Quả nhiên chưa đầy 10 phút sau thì một tiếng nổ long trời từ quả mìn Claymore tự động phát ra từ khu mương rạch phía trước . Tiếng cành cây, lá bị chém đứt rơi xuống nghe xào xạc, và mùi thuốc nổ khét lẹt bay đến tận chỗ chúng tôi nằm . Bầu trời trong vắt đầy sao, như sáng hẳn lên, làm tôi thấy cả đám khói còn vương lại trong lùm cây, sau đó mọi vật như rơi vào trong không gian im lặng, chúng tôi nghe rõ tiếng chân người chạy, tiếng rên la của người bị thương, tiếng gọi nhau …Tôi bảo Quế gọi máy về Đại Đội chuẩn bị bắn đèn soi sáng và xin Pháo Binh Chi Khu sẵn sàng yểm trợ (thời điểm này tại Chi Khu Hòa Đa được tăng cường 2 khẩu Pháo binh 105 ly, đặt bên đồn Bạch Mã) . Đang khi liên lạc với Đại đội thì thêm một quả mìn thứ hai phát nổ ở cánh trái khu mương rạch . Chúng tôi đã biết VC đã lọt vào trận địa mìn Claymore tự động của chúng tôi . Thiếu úy Mùi gọi máy bảo tôi an tâm, khi nào tiến lên lục soát thì bắn pháo hiệu cầm tay, Đại đội sẽ bắn đèn soi sáng liên tục …Riêng bên Chi Khu và Cố Vấn Mỹ cũng đang trong tình trạng báo động . Họ đoán đêm nay địch quân có thể phát động kế hoạch tấn công vào Chi Khu lần thứ hai, nhưng đã bị bại lộ mục tiêu vì toán tiền đồn của chúng tôi . Ám ảnh vì một lần thoát chết trong lần Trung đoàn địch tấn công hồi đầu năm, nên Ban Cố Vấn đã điều động hỏa lực tối đa hiện có . Họ bảo tôi ráng giữ vững trận địa, và họ đã điều động Chi đội Thiết Giáp M48 (loại tối tân nhất trên chiến trường VN) của Mỹ đang tăng phái cho Chi Khu Hòa Đa hiện đang nằm bên kia sông (Đồi Xích Thố) phải trở về Chi Khu và chừng 20 phút nữa thì sẽ có hai chiếc Hỏa Long (C47) từ phi trường Thành Sơn Phan Rang bay vào bắn phá các mục tiêu xung quanh khu mương rạch . Họ còn cho biết, Hải pháo của Hạm Đội 7 ở biển đông cũng đã sẵn sàng nhập cuộc khi có lời yêu cầu của Ban Cố Vấn Mỹ .

Tôi cảm thấy an lòng, vì có sự yểm trợ tối đa từ phía Mỹ . Tại trận địa tôi cho một Tiểu đội xung phong tiến chiếm mục tiêu và thu dọn chiến trường . Tiểu đội còn lại bắn yểm trợ tối đa, pháo sáng cầm tay được bắn lên từ Trung đội phó, và sau đó là Hỏa Châu từ Đại đội bắn lên liên tục . Từng loạt đạn tiểu liên M16 và súng phóng lựu M79 bắn dồn dập về hướng mục tiêu . Tất cả như bừng sáng trong đêm đen, mục tiêu hiện rõ dưới ánh sáng đèn như ban ngày . Cuối cùng Tiểu đội xung kích cũng mang về chiến lợi phẩm gồm có :
-01 súng B40
-02 súng tiểu liên AK 47
-01 súng lục K 54
-01 bản đồ Chi Khu Hòa Đa
-01 Cây gậy ?
-70 ngàn tiền VNCH .

Trong trận chiến, không nghe bất kỳ một tiếng súng nào từ phía địch quân . Tôi cho ngay Tiểu đội xung kích 70 ngàn đồng và tôi cho Âm thoại viên báo về sơ khởi kết quả, riêng khẩu K 54, tấm bản đồ CK Hòa Đa và cây gậy tôi giữ lại không báo với dụng ý riêng . Để trấn an anh em lính, tôi bảo viên Trung sĩ Tiểu đội trưởng phải chia đều số tiền 70 ngàn cho 6 người trong Tiểu đội . Hai anh khinh binh có hai quả mìn nổ sẽ được đề nghị thưởng huy chương . Riêng khẩu K54, tấm bản đồ và cây gậy tôi sẽ tặng cho vị ân nhân đã cứu tôi hôm qua, tất cả anh em trong Trung đội đều đồng ý giữ kín vụ này .

Chúng tôi rút đi ra khoảng 500m cách khu mương rạch, khi trên bầu trời xuất hiện 2 chấm đỏ, chúng tôi nhường trận địa cho hai chiếc Hỏa Long C47 với những khẩu súng liên thanh 6 nòng, khạc ra những tia lửa như rồng phun lửa xuống mục tiêu là vùng mương rạch và những khu lân cận . Tiếng súng vang xa như tiếng bò rống, và những tia lửa từ súng Đại Liên 6 nòng vẽ ra những đường lửa cong hình Hyperbol lao xuống mục tiêu thật đẹp . Ngoài bìa rừng xa hơn, Pháo binh của Pháo đội 105 ly tại đồn Bạch Mã và của Trung Đoàn 44/SĐ23/BB đặt tại căn cứ Sông Mao rải những tràng đạn truy đuổi theo hướng rút quân của địch ….

Chờ cho hai chiếc Hỏa Long chấm dứt phi vụ và bay về Phan Rang, và Pháo Binh cũng chấm dứt tác xạ, tôi cho lệnh thu dọn mìn bẫy và trở về hậu cứ Đại đội tại Chi Khu Hòa Đa, đến nơi khoảng 2 giờ sáng (thời gian này Thiếu tá Lại Văn Xuân đi nghỉ phép thường niên, Đại úy Đạt người miền Nam có vợ là người Mũi Né, Chi Khu Phó đang XLTV Chi Khu Trưởng) . Giờ này không còn ai thức, ngoại trừ hai người, một là Thiếu tá Cố Vấn Trưởng Hoa Kỳ và viên Sĩ Quan Trung úy phụ tá …Khi thấy tôi cả hai cùng cười và theo thói quen ông Thiếu tá tiến tới một tay bắt tay tôi, một tay vuốt đầu tôi và nói : Kane – You are number one – Baby Son !
Nhìn quanh quất để chắc chắn không có ai trong Chi khu nhìn thấy, tôi thọc tay vào túi quần lấy ra khẩu súng lục K54, đưa luôn tấm bản đồ Chi Khu Hòa Đa và cây gậy vừa tịch thu được để tặng ông ta gọi là đền ơn đáp nghĩa đêm hôm qua ông đã cứu tôi khỏi phải bị An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh Tư Pháp hạch sách, có thể bị mất chức và đi tù .

Đã 42 năm trôi qua, giờ đây tôi mới trình bày sự thật . Xin tạ lỗi với quý niên trưởng Đại úy Lê Văn Mùi Đại đội trưởng Đại đội 238/ĐPQ vì tôi đã giấu ông chuyện này . Nghe nói sau trận mìn Claymore tự động tại làng Minh Mỵ này, thì kể từ ngày đó về sau không còn Đặc công VC bò vào thám sát Chi Khu Hòa Đa nữa …Và cũng không ghi nhận được một tin tức tình báo nào gọi là địch quân sẽ tấn công Chi Khu Hòa Đa lần thứ hai .
Một tuần lễ sau, ngày 27-1-1970, Cố vấn Hoa Kỳ thông báo cho Chi Khu Hòa Đa vào lúc sáng khoảng 11 giờ, sẽ có một phái đoàn tướng lãnh Cố vấn trưởng thuộc Quân Đoàn II từ Pleiku bay xuống Chi Khu Hòa Đa . Yêu cầu Chi Khu cho triệu tập toàn thể Quân, Cán, Chính, các Ban, ngành và toàn thể Đại đội 238/ĐPQ cơ hữu Chi Khu chuẩn bị đón tiếp . Riêng Thiếu úy Lê Văn Mùi và Chuẩn úy Ngô Trúc Khánh sẽ được trao tặng huy chương Hoa Kỳ .

Dù gì, trong một chương nhỏ nào đó của Quân sử Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam cũng đã có được những giòng chữ được viết như sau :
The United States Of America . To all who shall see these presents :
This is to certify that the President of the United States of America Authorized by Excutive order, 24 August 1962 has Awarded .
To: NGO TRUC KHANH (Then Aspirant, Army of the Republic of Việt Nam)
For: Heroism in connection with military operations againt a hostile Force on 20 January 1970 .
Aspirant KHANH’S herois ations reflect great credit on him and the Armed Forces of Republic of Viet Nam .
Địa danh làng Minh Mỵ - An Bình đã đi vào tâm khảm của người lính trận già năm nào . Giờ này Quê hương chỉ còn lại một thời để nhớ !
(SVSQ/ Thủ Đức Ngô Trúc Khánh)

Giữa năm 1969, Trung tá Lại Văn Xuân về làm Chi Khu Trưởng Chi Khu Hòa Đa chừng một tháng thì bị Việt Cộng bất thần tấn công bằng một lực lượng lớn cấp Trung Đoàn và Đặc công đã đột nhập được vào phòng tuyến của Chi Khu, lúc này do một Trung đội Nghĩa Quân và đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn phòng thủ . Kết quả hơn 50 mươi binh sĩ chết trong đồn, Trung tá Lại Văn Xuân và Cố Vấn Mỹ phải vượt tường qua khu Pháo Binh bên đồn Bạch Mã sát với Chi Khu mới sống sót . Đại đội 238/ĐPQ được lệnh tiếp viện cho Chi Khu nhưng bị VC chận đánh trên đường về quận, nên không giải cứu được cho quân bạn . Sau trận này Chi Khu điều Đại đội 238/ĐPQ về phòng thủ quận đường .
Trong những lần hành quân ở Động Bà Ban, Đại đội diệt được tên Thập Mũi trưởng khét tiếng và trận Đá Bồ ta đã hạ được nhiều tên địch, và nhiều lần hành quân càn quét địch gây cho chúng những thiệt hại to lớn . Đến giữa năm 1970, Trung úy Lê Văn Mùi, Đại Đội Trưởng (Sau lên Đại úy) xin thuyên chuyển về nguyên quán tỉnh Khánh Hòa và Trung úy Huỳnh Hóc Lái được điều động về giữ chức Đại Đội Trưởng và Thiếu úy Đặng Ngọc Thạnh làm Đại Đội Phó và tôi Thiếu úy Ngô Trúc Khánh giữ chức Trung Đội Trưởng Trung đội 1. Vì Đại Đội Trưởng và Đại Đội Phó không chịu công tác chung ngay từ ngày đầu nhậm chức nên đơn vị trở thành “rắn không đầu”. Tình trạng này không kéo dài lâu được phải có một người ra đi để Đại đội được ổn định trở lại như lúc trước . Cuối cùng cả Thiếu úy Đặng Ngọc Thạnh lẫn Trung úy Huỳnh Hóc Lái, kẻ trước người sau đều ra đi.Trung úy Lê Quốc Thời về làm Đại Đội trưởng thay Tr/Uý Lái (chỉ sau 3 tháng tại chức).

Trung úy Thời người Phú Bổn, nghe đâu tốt nghiệp khóa 18 Thủ Đức …Tính tình anh rất thẳng thắn, bộc trực, nếu cấp chỉ huy sai trái anh ta sẵn sàng chỉ trích không e dè vị nễ . Nhưng trái lại rất thông cảm và thương yêu thuộc cấp . Tôi sống và làm việc với anh cũng chỉ có 3 tháng, nhưng chưa một lần thấy anh có thái độ không tốt với thuộc cấp, nghe đồn vì tánh cương trực này nên anh bị đì …Bạn bè cùng khóa nhiều người đã mang lon Thiếu tá nhưng anh vẫn còn Trung úy . Buồn và chán đời vì xa gia đình nên vì vậy mà anh ương ngạnh chăng . Anh thường xuyên uống rượu, bạn uống rượu của anh là Thiếu úy Lương Hải (Sĩ quan Phụ tá Ban 3 Chi Khu Hòa Đa) .

Thời gian này, tôi làm Đại đội Phó, lẽ ra Trưởng và Phó phải chơi chung với nhau, nhưng ngặt nỗi tôi không uống được rượu nhiều nên không cùng uống với anh lâu dài được . Thường bàn uống rượu được đặt trước Block chỉ huy của Đại đội chỉ còn có hai người Tr/úy Thời và Th/úy Hải, có khi kéo dài cho tới sáng . Phải nói tính tình anh rất tốt, không vì tôi không uống rượu chung với anh được mà không thích, trái lại rất ưu ái trong công tác điều hành và chỉ huy Đại đội . Một lần Đại đội đi hành quân bên Phú Hải, ban ngày cả Đại đội trú ẩn trong làng, gần chiều anh mới cho di chuyển lên động cát Đồi Xích Thố . Việt cộng biết thói quen của anh nên tìm cách phục kích, chúng để cho 3 Trung đội đi đầu qua khỏi và chờ BCH/ Đại đội đến trong tầm 20m thì cả 2 khẩu Trung liên đồng loạt nhả đạn . Vì say rượu loạng choạng nên anh kêu sai tọa độ để cho cối 81 ly của Liên Đội 2/8/ĐP bắn ngay BCH Đại đội . Ngay lập tức tôi thay anh gọi về Liên đội chỉnh lại tọa độ bắn, một mặt ra lệnh anh em xung phong lên đồi chiếm vị trí cao thế để chống trả lại địch chứ không được thối lui . Trước sự anh dũng chién đấu của Đại đội 238/ĐPQ, Việt Cộng hoảng sợ thi nhau bỏ chạy mặc dù chúng đã khai hỏa trước chiếm thượng phongvề địa thế và hỏa lực . May mắn cho đơn vị dù bị phục kích nhưng không ai bị gì, trái lại địch bỏ lại nhiều vật dụng như cơm gạo, thuốc men và có cả máu ..
(cầu sông Lũy tại Chợ Lầu quận Hòa Đa)

Khi tỉnh rượu sau trận đánh anh nói với tôi : Khánh không uống rượu là đúng, nếu hai đứa cùng uống thì hôm nay BCH Đại đội đã không còn . Trải qua mấy đời Đại Đội Trưởng, Tr/úy Mùi, Tr/úy Lái, Tr/úy Thời sau này là Tr/úy Mới các vị đều có thiện cảm với tôi và dành cho niềm ưu ái đặc biệt . Thường thì sau một đêm tại Đồn hoặc phục kích địch và những ngày không đi hành quân, tôi được cho về nhà ở với vợ con trong ngày, chiều đến mới trở lại đơn vị . Nếu có lệnh hành quân khẩn cấp, các anh cho lính đi gọi tôi nhưng có hôm không gặp, thành ra ngày hành quân đó tôi không có mặt . Vậy mà các anh vẫn thông cảm cho tôi, nhăc lại chuyện này như một lời cám ơn đến các vị niên trưởng .

Do ít có thời gian tiếp xúc với các Đại Đội Trưởng, nên tôi không biết nhiều về đời tư các anh, chúng tôi chỉ tiếp xúc bàn bạc chuyện điều hành chỉ huy đơn vị . Tôi không để ý lắm về những sự xích mích giữa các Sĩ quan trong Chi Khu Hòa Đa nhất là không hiểu tại sao giữa Tr/úy Thời và Thiếu tá Dụng Văn Đối Chi Khu Trưởng Chi Khu Hòa Đa lại xảy ra hiềm khích rất lớn …Tôi thường nghe Tr/úy Thời mỗi khi uống rượu với Th/úy Lượng Hải thì thường miệt thị Th/tá Đối thậm tệ .
Phải nói, trong thời gian giữ chức vụ Quân/ CKT/ Hòa Đa, Thiếu tá Dụng Văn Đối đã không được lòng với hầu hết những Sĩ quan, Binh sĩ dưới quyền . 

Họ thường so sánh tư cách giữa Thiếu tá Đặng Chánh Anh, Quận/CKT/CK/Phan Lý Chàm với Thiếu tá Đối bởi vì hai vị đều là người Chàm . Thiếu tá Đối thường phủ nhận mình là người Chàm và không bao giờ nói tiếng Mẹ đẻ với người bản xứ. Ngoài ra chắc là có chỗ dựa lớn nên Đối có tánh kiêu căng quan liêu, khiến một số người không kính trọng ông ta nên thường gọi là “ Chàm mất gốc “. Tôi thiết nghĩ người Chàm có gì xấu đâu mà trốn tránh, trái lại Thiếu tá Anh hàng ngày nói tiếng Chàm với thuộc cấp là người Chàm và là người tự trọng, luôn tự hào mình là người Chàm . Thiếu tá Anh rất bình dị với thuộc cấp nên rất được lòng hầu hết Sĩ quan và Binh sĩ Việt cũng như Chàm . Trên chiếc xe Jeep của ông thường chở đầy những người Chàm, trong đó có thầy Chang, phụ nữ, con nít đi lỡ đường được ông cho quá giang về xã Hựu An .

Tôi còn nhớ một hôm có gánh Cải lương về hát ở rạp Hòa Đa, vì tình hình an ninh nên Chi Khu cấm trại 100% . Theo lệ, hàng đêm các Trung Đội Trưởng của Đại đội 238/ĐPQ thường cho phép miệng một người lính trong Trung đội của mình được ở nhà với gia đình . Đêm đó xui xẻo có một anh lính dẫn vợ đi coi hát (mặc quân phục) bị Thiếu tá Đối bắt gặp dẫn về Chi Khu và nhốt ngay vào chuồng cọp, biết là lính của Đại đội 238/ĐPQ nhưng ông không thông báo gì cho Đại đội biết .

Đang ngồi uống rượu với Th/úy Hải, nghe kể lại lính mình bị Thiếu tá Đối nhốt, sẵn có hiềm khích từ trước, Tr/úy Thời điên tiết lên ra ngay giữa sân Quận đường gọi đích danh Thiếu tá Đối ra mà chưởi …Được thông báo, Thiếu tá Đối và viên Thiếu tá Cố vấn Mỹ đi ra đứng trên tam cấp Quận đường . Chưa kịp nói câu gì thì thấy Tr/úy Thời hùng hổ xăm xăm đi tới, trên tay với khẩu Colt 45 . Nòng súng chỉ thẳng vào mặt Th/tá Đối và nói :
-Đ. M thằng Ch …Tại sao mày dám nhốt lính tao, giờ còn dẫn theo thằng Cố vấn Mỹ để hù tao à ! Một trăm thằng Mỹ, tao cũng làm thịt chớ đừng nói một thằng . Bây giờ là 8 giờ tối, tao kỳ hẹn trong một tiếng đồng hồ sau, nếu không thả lính của tao ra …thì Chi Khu này sẽ thành bình địa .

Biết không thể dùng lời lẽ và quyền lực với một người đang say và có đứng lại cũng không giải quyết được gì mà có khi còn mang họa nên Th/tá Đối và Cố vấn Mỹ quay gót đi vào trong Quận đường . Đồng thời Tr/úy Thời ra lệnh tất cả súng lớn gồm 2 khẩu Đại liên M60 và khẩu 60 ly hướng nòng về Quận đường và các Binh sĩ sẵn sàng khai hỏa theo lệnh ông . Binh sĩ vì có mặc cảm sẵn với Th/tá Đối nên nhân dịp này đồng loạt thi hành lệnh của Tr/úy Thời Đại Đội Trưởng .

Trên cương vị Đại Đội Phó, tôi thấy tình hình quá nghiêm trọng, vội chạy tìm các Trung Đội Trưởng và không để cho Tr/úy Thời biết việc này . Tôi cho các khẩu súng quay trở ra ngoài và giải thích không nên nghe lời Tr/úy Thời vì ông ta đang say, nếu không tuân lệnh tôi các Trung Đội Trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm …Tôi cũng đi đến từ khẩu M60 và Cối 60 ly để giải thích sự việc và khuyên ngăn không được gây tai họa . Một mặt tôi chạy tìm viên Trung sĩ Ngọc (giẹo) Thường vụ Chi Khu khuyên anh ta vào gặp Th/tá Đối để thả người lính bị nhốt chuồng cọp vì tình hình không có lợi . Qủa nhiên mười phút sau anh lính đó được thả ra ..Hậu quả ra sao thì chúng ta cũng biết.

Sáng hôm sau, Trung úy Thời nhận được lệnh cấp tốc về trình diện Tiểu Khu và tôi nhận Xữ Lý Thường Vụ Đại Đội Trưởng Đại đội 238/ĐPQ. Ngoài lệnh hoán đổi Đại Đội 296/ĐPQ về phòng thủ Chi Khu Hoà Đa, còn Đại đội tôi về đóng tại Yếu Khu Phan Rí Cửa. Tình trạng trên kéo dài gần ba tháng, đây là thời gian dưỡng quân tốt nhất. Tuy nhiên với trách nhiệm một XLTV Đại Đội Trưởng nên tôi không còn nhàn rỗi đi về nhà thăm vợ con như trước nữa, lâu lâu mới có một cuộc hành quân miệt Phú Hải, ở đây an ninh gần như tuyệt đối nên không có đụng trận nào .

Tháng 12 năm 1970, Đại đội được lệnh di chuyển ra đóng tại Đồn Hội Tâm ngay Ngã Ba Thanh Lương –Hội Tâm để bảo vệ vùng này thay thế Đại Đội 730/ĐPQ của Th/úy Nguyễn Văn Thứ đi hành quân trong mật khu Lê Hồng Phong . Thời gian này có một sự việc xảy ra với Đại đội mà tôi không bao giờ quên . Tôi được thông báo có một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 44/23BB đến dưỡng quân trong vùng Hội Tâm, Động Bà Ban, Dốc Hội Long . Đại đội chỉ cố thủ trong đồn và bảo vệ Ấp Thanh Lương, khu vực Ngã ba Hội Tâm . Lâu lâu mới có một đơn vị Chủ lực quân về đóng trong lãnh thổ trách nhiệm, tôi rất vui mừng, có dịp để anh em nghỉ dưỡng sức sau những ngày cực khổ .

Nào ngờ, trong lệnh phối trí như vậy nhưng các đơn vị bạn chỉ tập trung đóng dọc theo QL1 từ Hội Tâm đến Cầu Nam bỏ những yếu điểm quan trọng như dốc Hội Long, một cao điẻm cần giữ gìn hàng đêm, tất cả đều bị bỏ ngỏ. Tối đó Việt cộng mò về đặt hai khẩu Bích Kích Pháo trên dốc Hội Long bắn vào đồn Hội Tâm, tôi sững sờ vì thấy ánh lửa phát ra từ những vị trí hàng đêm tôi đều rải quân phục kích . Mấy quả đầu rơi ngoài vòng rào, sau rơi chính xác vào đồn, chúng tôi phải nhảy vào những hố cá nhân, riêng Hạ sĩ Theo thuộc Tiểu đội Viễn Thám đang nghỉ dưỡng quân tại đồn vì say rượu nên nhảy không kịp nên bị trúng mảnh vào đầu và chết trên đường tải thương bằng Trực thăng về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch .

Tôi gọi về BCH/ Liên đội thì được biết họ đã bỏ vị trí dốc Hội Long tôi mới cho phản pháo . Lúc này tôi mới thấy tài nghệ của xạ thủ súng cối 60 ly của Đại đội, không cần dùng chân hai càng, anh bắn trái nào cũng ngay vị trí địch vừa đặt súng bắn vào đồn nên dập tắt được cơn pháo của địch . Không lâu sau đó Pháo binh 105 ly tại Sông Mao và Hòa Đa và Cối 81ly tại Yếu khu Phan Rí Cửa đã dập tắt những điểm còn lại dọc Động Bà Ban, chận đường rút lui của Địch .

Mờ sáng hôm sau, tôi cho lệnh lục soát trên dãy đồi trước mặt đồn Hội Tâm, nơi khi hôm địch đặt mấy khẩu pháo thì thấy mấy chục vỏ đạn vất tứ tung và cơm vắt văng ra lẫn lộn nhiều vết máu, nhiều bông gòn và băng cá nhân trên đường rút về Động Bà Ban .
Tết năm 1971, Đại đội lại được lệnh tăng cường cho Yếu Khu Chợ Lầu, đặt BCH tại đồn Nghĩa Quân gần Sân Vận Động Chợ Lầu . Những Trung đội rải đều các vị trí trọng điểm như, Xóm Me, Xóm Bún, Xuân Hội và Xóm Hồ . Thời gian đơn vị đóng tại đây rất an bình, Việt cộng nghe danh Đại đội 238/ĐPQ với khả năng gài mìn Claymore tự động khét tiếng nên bọn chúng thà chịu đói ăn Tết trong mật khu chứ không dám mò về Chợ Lầu kiếm thức ăn .

Sau Tết chúng tôi giao lại đồn Nghĩa Quân cho xã Chợ Lầu để về đóng tại đồn Xóm Bún (gần Thanh Minh), đồn này nằm gần nhà của Xã Đội Trưởng Việt Cộng Chợ Lầu Chín Vịt có mấy căn nhà, lập phòng tuyến ngăn chận địch xâm nhập vào Chợ Lầu thu thuế, bắt dân công, chúng tôi rải quân dọc bờ Sông Lũy nên Việt Cộng trong thời gian này không dám mò về . Trên phương diện chỉ huy, Đại Đội vẫn thuộc về Liên Đội 2/8/ ĐP nhưng về trách nhiệm điều động thì thuộc về Chi Khu Phan Lý Chàm vì lãnh thổ hai Quận chồng chéo với nhau .

Không bao lâu, Đại Đội lại được lệnh di chuyển về Lâm Lộc, chịu trách nhiệm từ Cầu Nam, Phan Rí Cửa đến ranh giới Hội Tâm . Tôi giữ chức vụ XLTV Đại đội trưởng được 6 tháng thì bàn giao lại cho Tr/ úy Nguyễn Văn Mới nguyên là Đại đội Phó Đại đội 118/ĐPQ của Đại úy Nguyễn Văn Ngư làm Đại Đội Trưởng, anh ta người Khu 1 Liêm Bình, Hòa Đa, tôi trở về cương vị cũ là Đại Đội Phó . Trong thời gian Tr/úy Nguyễn Văn Mới làm Đại Đội Trưởng, Đại đội 238/ĐPQ đã diệt gọn tên Mũi Trưởng khét tiếng Gọ Lửa tại Lâm Lộc do công của Chuẩn úy Đoàn Minh Kỳ, Trung đội trưởng Trung đội 3/238/ĐPQ .

Năm 1971 là năm sau cùng người Mỹ trắc nghiệm chương trình “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” để rút quân khỏi Việt Nam trong mưu đồ dựng nên một Hiệp định quái thai hầu bán đứng miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt, để trao đổi tù binh Mỹ và hòa hoãn với Trung cộng nhằm tiến vào thị trường to lớn này kiếm tìm siêu lợi nhuận . ..

Để chuẩn bị kế hoạch này, Mỹ đã mở chiến dịch Hành Quân Lam Sơn 719 đánh vào những cứ điểm hậu cần của Bắc Việt tại Hạ Lào và đường mòn Hồ Chí Minh . Trong trận này mặc dù VNCH phá hủy nhiều cơ sở hậu cần quan trọng của địch, nhưng ta cũng tiêu hao những đơn vị thiện chiến nhất của QL/VNCH dẫn đến việc mất nước sau tháng 4 năm 1975. Tôi nghe có lời đồn đoán rằng những Sĩ quan “Con bà phước” và những Sĩ quan hiện phục vụ cho Địa Phương Quân không có sự nâng đở của phe cánh sẽ bị đôn quân trả về cho Chủ Lực Quân nhằm bổ xung quân số Sĩ quan đang thiếu trầm trọng.

Vốn là người hiền hòa, không thích chiến tranh, lại nặng gánh gia đình, Tôi không muốn bị đưa đến nơi chiến trường xa xôi, cách lìa vợ con . Chuyện vào lính và trở thành Sĩ quan với tôi là một điều ngoài ý muốn, nên tôi đã nộp đơn xin biệt phái ngoại ngạch ngành Cảnh Sát . Đây cũng là một ngã rẽ thứ hai của cuộc đời binh nghiệp của tôi …

Ngã rẽ này còn buồn thảm, còn khổ đau và cay đắng nhiều hơn đời lính . Mặc dầu tôi rời khỏi Đại đội đầu đời yêu mến mang nhiều kỷ niệm vui có, buồn có, nhưng lúc nào tôi vẫn nhớ về Đại đội này . Tôi được biết sau khi tôi rời đơn vị, không bao lâu Tr/úy Nguyễn Văn Mới cũng nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Ban 3 Chi Khu Tuy Phong và Trung úy Nguyễn Dương Quang Trưởng Ban 3 của Liên Đội 2/8/ĐP về nhận chức vụ Đại Đội Trưởng . Kể từ đây Đại đội hoạt đông tại vùng Lâm Lộc, lập được nhiều chiến công, bình định được ấp Lâm Lộc . Vùng đất Lâm Lộc không còn là nơi an toàn như Khu Ba Liêm Bình trước đây . Vì nhu cầu nên năm 1972 các Liên Đội được biên chế thành Tiểu đoàn và Đại úy Nguyễn Hữu Tiến (sau vài tháng lên Thiếu tá) về nắm giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng thay cho Đại úy Nguyễn Đình Thụy Liên Đội Trưởng . Đại đội 238/ĐPQ kể từ đây được đổi tên là Đại Đội 3/229/ĐPQ cho tới ngày tàn cuộc chiến .

Viết lại đây những dòng này không phải để ca tụng cho một chiến tích của một đơn vị đã từng chiến đấu anh dũng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng Bình Thuận mến yêu . Mà nhắc lại để tưởng nhớ vinh danh những bạn bè, đồng đội đã nằm xuống cho mảnh đất này vươn lên .
Chợt nhớ xuân nào trên chiến địa,
Tao mày hiu hắt đón xuân chơi
Một thằng bộ binh đời như bỏ
Một đứa nhảy dù cũng tả tơi.
(Xuân chiến địa – thơ MG)

Bốn câu thơ của MG làm nhớ lại một thời chinh chiến cũ, mới đó mà đã mấy mươi mùa thương nhớ, càng khiến cho người lính già thêm trơ trọi lạc lõng, nơi chốn quê người.. Trong quán khách bên đường, ta một mình sóng đôi với ngọn đèn hiu hắt, qua đêm lại một đêm buồn. Rượu chưa nhắp mà môi dã muốn cay sè, ngoài trời con chim kỷ niệm vẫn như thiết tha giục giã dù khói lửa đã ngưng trên chiến địa, bạn bè cũng không còn quan hà cạn chén ly bôi, sau những tiếng tỳ bà nhặt khoan nức nở

Tan tác, chia xa giờ đây chúng ta đang lang thang như mây chiều, sau những năm tháng đã giốc ngược đời mình cho quê hương. Lính là thế đó, buồn nhiều vui ít với một chút nhun nhén tình cờ bắt gặp trên các nẻo đường hành quân vô định, qua dăm ba ngày Tết dưỡng quân hay canh giặc chốn tiền đồn lẻ loi ngoài quan tái.

Ai đã từng là lính mới cảm thông cho lính, sống thật cô đơn lếch thếch và chết cũng rất hiu hắt ngậm ngùi. Thời gian và không gian đời lính cũng chẳng qua chỉ là một cái mốc vô tình để biết ta hiện hữu. Nhưng thôi tiếc làm gì ai biểu ta sinh ra làm trai hùng đất Việt ? nên phải chấp nhận kiếp lính “ ôm yên gối trống đã chồn, nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh “để rồi thui thủi” đêm từng đêm ngó mông lung, ôm cây súng lạnh hát rừng mà nghe “..

Hỡi ôi mấy chục năm về trước, tôi, người lính trẻ xa nhà vẫn đam mê chạy đuổi theo những giọt mưa xuân giữa trời lửa loạn. 
Nay sống lưu lạc nơi quê người, người lính già lội ngược thời gian tìm vết ngày thơ như còn giấu đâu đó, nơi vòm trời đồng đội, và em, và những ngày buồn vui cuối cùng trong quân ngũ, để ngẫn ngơ bàng hoàng xúc động, như thể vừa bước chân lên con tàu về quê hương, của thời áo trắng học trò, ấm yên hạnh phúc đầu đời

No comments: